Công nghiệp phục hồi nhanh với sự 'trỗi dậy' của ngành phục trang

Công nghiệp Việt nAM
14:03 - 29/06/2022
Công nghiệp phục hồi nhanh với sự 'trỗi dậy' của ngành phục trang
0:00 / 0:00
0:00
Trong quý II/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng khá do các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang dần phục hồi trong tình hình mới. Theo đó, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so với cùng kỳ năm trước.

Với mức tăng này, sản xuất công nghiệp đã ghi nhận sự hồi phục và tăng trưởng rõ ràng so với mức 8,91% của năm 2021, mức 4,96% của năm 2020 và thậm chí hơn cả mức tăng trưởng 8,28% của năm 2019 – thời điểm trước đại dịch.

Cụ thể, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước với quý I tăng 6,97%, quý II tăng 9,87%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành dẫn đầu với mức tăng 9,66%, (quý I tăng 7,72%; quý II tăng 11,45%), đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,51%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 2,28%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất phục trang ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp tăng trưởng mạnh nhất trong các ngành công nghiệp với mức tăng 23,3%.

Ngược lại, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tiếp tục là một trong những ngành có mức giảm mạnh nhất (giảm 8,5%). Năm 2022 là năm đầu tiên ngành này ghi nhận mức giảm liên tục qua nhiều tháng, trái ngược với sự tăng trưởng tốt của những năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước tiếp tục ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp tăng tại 61 địa phương và chỉ giảm ở 2 địa phương. Trong đó, Hà Tĩnh và Trà Vinh tiếp tục là hai tỉnh vẫn ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp giảm sút, chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại hai tỉnh này vẫn chưa hồi phục như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.

Riêng với tỉnh Bình Thuận, tuy ngành chế biến, chế tạo tăng 13,7% nhưng sản xuất điện (chiếm tới 59,8% toàn ngành công nghiệp tỉnh) giảm 1,1% làm chỉ số IIP 6 tháng đầu năm 2022 của Bình Thuận chỉ tăng 2,1%. Còn với Kon Tum, dù ngành chế biến, chế tạo giảm 7,4% nhưng sản xuất điện (chiếm khoảng 54,5% toàn ngành công nghiệp) tăng 38,7% góp phần làm IIP tăng 20,6%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mức tăng trưởng cao vẫn tiếp tục thuộc về sản phẩm thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam là linh kiện điện thoại với mức tăng 22,2%. Ngoài ra, thủy hải sản chế biến cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 12,2%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2022 giảm 1% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021, tăng nhẹ 0,2 điểm phần trăm so với mức tăng 9,2% của cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6 tăng 6,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước, tuy nhiên, con số này có phần khiêm tốn so với mức tăng 29,5% của năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2022 là 78%, giảm so với mức 92% của cùng kỳ năm trước.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/6 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,8% so với cùng thời điểm năm trước. Đặc biệt, mức tăng mạnh ghi nhận ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tin liên quan

Đọc tiếp