Đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản quý 2 đạt 14 tỷ USD

NÔNG NGHIỆP CHÍNH SÁCH
12:32 - 31/03/2023
Họp báo thường kỳ quý I và một số nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Phương Thảo
Họp báo thường kỳ quý I và một số nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Phương Thảo
0:00 / 0:00
0:00
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm 11,2% trong quý 1/2023 đang đặt ra yêu cầu đòi hỏi ngành nông nghiệp cần tháo gỡ mọi rào cản thị trường, có các giải pháp đồng bộ, linh hoạt để đạt được chỉ tiêu cải thiện trong quý tiếp theo.

Giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng

Thông tin tại Họp báo thường kỳ quý 1/2023 và một số nhiệm vụ trọng tâm quý 2 năm nay của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngày 31/3, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, vì sớm xác định những thuận lợi, khó khăn nên tăng trưởng quý 1 của ngành vẫn giữ được những kết quả đáng kể, đạt 2,52% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,43%, lâm nghiệp tăng 3,66% và thủy sản tăng 2,68%.

Đóng góp vào ngành trồng trọt ghi nhận nhiều ở nhóm cây công nghiệp, cây ăn quả, riêng cây ngắn ngày giảm nhẹ. Chăn nuôi ghi nhận tỷ lệ tăng cao ở 1 số nhóm: lợn, bò, gia cầm. Thủy sản tăng tương đối khá, khai thác giảm nhẹ, còn nuôi trồng tăng trưởng tốt. Điểm đáng lưu ý là ngành nông nghiệp đã ổn định được giá cả lương thực thực phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngành nông nghiệp đạt xấp xỉ gần 11%, trong khi cả nước là gần 10%. “Như vậy giải ngân vốn đầu tư công của Bộ NN&PTNT cao hơn cả nước, đây là điểm sáng của ngành”, ông Việt nhấn mạnh.

Tuy nhiên ngành nông nghiệp cũng gặp những khó khăn nhất định, cả thị trường trong nước và quốc tế sức mua đều giảm. Ngoài ra, giá vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao. Đây là 2 khó khăn lớn nhất cần tháo gỡ trong các quý tiếp theo.

Từ đó, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ NN&PTNT kiến nghị 5 nhóm giải pháp, gồm tập trung đảm bảo sản xuất các nhóm ngành; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tháo gỡ các rào cản của thị trường xuất khẩu; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cả các dự án phải phê duyệt; tập trung tháo gỡ khó khăn về các vấn đề thể chế.

Đặt mục tiêu xuất khẩu 14 tỷ USD toàn ngành trong quý 2

Phân tích sâu về tình hình sản xuất và thương mại ngành nông nghiệp trong quý 1, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh khó khăn, phức tạp trong nước và quốc tế, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ 2022.

Bộ NN&PTNT xác định năm 2023 sẽ là một năm còn nhiều khó khăn: Lãi suất ngân hàng cao, room ngân hàng hạn chế, sức tiêu thụ của thị trường giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng… Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh phải coi đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy, hành động nhanh, kết quả thật để khai thông thị trường là nhiệm vụ ưu tiên.

Ảnh: Phương Thảo

Ảnh: Phương Thảo

"Càng khó khăn, thách thức càng đòi hỏi ngành nông nghiệp càng phải dốc hết sức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy, hành động nhanh, kết quả thật để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển".

Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng NN&PTNT cũng nói thêm, hiện nay, hạ tầng nông nghiệp, hệ thống logistics còn yếu kém nên việc giải ngân đầu tư công là yếu tố quan trọng để đưa sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp.

Do đó, cần tập trung hạn chế tối đa thủ tục hành chính, có các kế hoạch, mô hình sản xuất sáng tạo, phù hợp. “Tổ chức sản xuất cần gắn với rải vụ để giảm giá thành sản xuất, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu. Khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo là động lực để thay đổi bộ mặt sản xuất của ngành”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, ngành cũng cần huy động tất cả nguồn lực vào phát triển nông nghiệp, tạo thuận lợi cho bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái.

Về mở rộng thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, cần xem xét thị trường nào tiềm năng để tập trung ưu tiên mở cửa, thông qua các tham tán nông nghiệp, các đại sứ, tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi thăm cơ sở sản xuất, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài.

“Trong quý 2/2023, mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành phấn đấu đạt 2,9 - 3,0% với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 14 tỷ USD”, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu mục tiêu.

Tin liên quan

Đọc tiếp