Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Tham gia ý kiến trong phiên thảo luận hội trường sáng 4/11, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) quan tâm đến vấn đề chống lãng phí trong bộ máy công quyền.
Theo bà Hoa, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác phòng chống lãng phí. Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết số 74 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Gần đây nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) được bổ sung nhiệm vụ mới về phòng chống lãng phí.
Đặc biệt, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp. “Đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội. Bài viết đã đánh giá, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển,” đại biểu nêu.
Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Thứ hai, có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước không hiệu quả, nhưng trên thực tế còn có lãng phí về cơ hội và thời gian. “Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định, thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp. Bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy trong công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương và đất nước”, đại biểu nêu.
Thứ ba, một số cán bộ mắc bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan, muốn thực hiện những dự án ở địa phương, Bộ, ngành của mình vào trong nhiệm kỳ làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động. Tuy nhiên cách làm nóng vội, sự tính toán chủ quan, không tuân thủ đầy đủ các quy trình phụ thuộc dẫn tới một số dự án mới đem lại hiệu quả không mong muốn. Vừa qua, một số dự án như vậy đã được Ban Chỉ đạo điểm mặt, chỉ tên.
Thứ tư, chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm của cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu việc xử lý hành vi vi phạp trong trường hợp để xảy ra tình trạng lãnh phí, tuy nhiên các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở.
Bộ luật Hình sự có 2 điều đề cập đến các hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí. Tuy nhiên theo đại biểu, thực tế các điều luật này ít khi được sử dụng mà thường được xử lý bằng các tội danh khác như tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng... Với cách xử lý này, mặc dù tội phạm vẫn bị trừng trị nhưng tính răn đe, giáo dục về phòng chống lãng phí chưa cao.
“Nếu chúng ta chống lãng phí thành công như chống tham nhũng trong thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới,” đại biểu bày tỏ kỳ vọng.
Gắn phòng chống tham nhũng, tiêu cực với phòng chống lãng phí
Ngày 29/10/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 191-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo (thay thế Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021) và Quyết định số 192-QĐ/TW kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực; trong đó đã bổ sung cho Ban Chỉ đạo nhiệm vụ phòng, chống lãng phí với trọng tâm của phòng, chống lãng phí là trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Tại phiên họp ngày 30/10 vừa qua, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng vừa phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; vừa phải tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí; phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về nhiệm vụ cụ thể trong phòng, chống lãng phí, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu rà soát, tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 và các quy định của pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực Nhà nước.
Rà soát, xử lý các dự án dang dở, kéo dài, gây lãng phí nguồn lực; trước hết là dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM, các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được vận hành…