Đề xuất cơ chế đặc thù ưu đãi cho các tỉnh miền núi

KINH TẾ QUỐC GIA
11:58 - 30/10/2023
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều đại biểu đồng tình đề xuất cho kéo dài thời gian thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách được phân bổ cho các Chương trình mục tiêu quốc gia 2023 nhằm tiếp tục phát huy, nâng cao hơn hiệu quả các dự án.

Ngày 30/10, Quốc hội dành toàn bộ thời gian làm việc để thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đề xuất cơ chế cho các tỉnh miền núi được tỷ lệ hỗ trợ cao hơn

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu đầy đủ, chi tiết, đánh giá toàn diện khách quan, thành tựu và tồn tại, đánh giá rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận góp ý, qua giám sát khảo sát cho thấy nhiều văn bản hướng dẫn còn chung chung, chưa rõ ràng, khó thực hiện. Việc dẫn chiếu quá nhiều trong một văn bản dẫn đến khó khăn, lúng túng cho cán bộ và người dân đặc biệt là cán bộ cấp xã ở các địa phương miền núi vùng cao địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách các văn bản chỉ đạo hướng dẫn theo hướng chi tiết rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ áp dụng trong thực tiễn", đại biểu đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận cũng đề nghị Chính phủ xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đã được ban hành, không thực hiện giao theo lĩnh vực, theo dự án, tiểu dự án thành phần như hiện nay, để tạo sự chủ động linh hoạt cho các địa phương xem xét kinh phí thực hiện cho cấp huyện.

Đặc biệt, đại biểu đề xuất cần có cơ chế đặc thù ưu đãi trong tổ chức thực hiện các chương trình cho các tỉnh miền núi theo hướng được tỷ lệ hỗ trợ cao hơn để các địa phương này có thêm nguồn lực trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2023 của 3 chương trình chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2024.

Về phương thức quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị nghiên cứu áp dụng cơ chế quản lý theo kết quả đầu ra để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn. Đồng thời kịp thời phát hiện được các khiếm khuyết và có các biện pháp cải tiến điều chỉnh kịp thời trong thực thi các cơ chế chính sách của các chương trình.

Đề xuất nghiên cứu lập Văn phòng điều phối cấp tỉnh thực hiện 3 chương trình

Phát biểu tại Nghị trường, đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu ý kiến, việc Quốc hội phê duyệt chủ trương 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là phù hợp với thực tế và đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.

Tuy nhiên, để tổ chức thực hiện hiệu quả hơn, tạo sự đồng bộ, thuận lợi, tránh sự chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn chính sách Nhà nước để thực hiện cho 3 Chương trình.

"Mỗi chương trình ban hành một cơ chế quy định riêng, dễ gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng thực hiện, đồng thời dễ gây bất đồng, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện", đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Về nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương, đại biểu Phạm Thị Kiều cũng đề nghị cho phép kéo dài thời hạn giải ngân vốn của giai đoạn 2021-2025 kể cả nguồn vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 đến hết giai đoạn 2025.

Cùng với đó, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị nghiên cứu thành lập một mô hình Văn phòng điều phối chung trực thuộc UBND cấp tỉnh để thực hiện có hiệu quả hơn 3 Chương trình. Trong đó cần xác định vị trí pháp lý rõ ràng biên chế của Văn phòng được sử dụng trưng dụng tại các cơ quan, đơn vị mà hiện đang tham mưu thực hiện 3 chương trình và không làm phát sinh biên chế các tỉnh, đồng thời bố trí nguồn kinh phí để văn phòng hoạt động hiệu quả.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.