Đề xuất đổi tên tòa án cấp tỉnh, cấp huyện

toà án QUỐC HỘI
17:10 - 09/11/2023
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
0:00 / 0:00
0:00
Việc đổi mới các tòa án cấp tỉnh, cấp huyện nhằm bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử.

Chiều 9/11, tại Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình về dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).

Dự án Luật hướng đến mục tiêu hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính.

Kết cấu của dự thảo Luật gồm 154 Điều được bố cục thành 9 chương; trong đó bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 nội dung lớn về nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án; hoàn thiện tổ chức bộ máy của tòa án; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tòa án; Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia và đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử.

Cụ thể, về nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án, dự thảo Luật bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho tòa án. Đó là giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật và giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử.

Dự thảo Luật quy định tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra, viện kiểm sát thu thập; tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp để giải quyết, xét xử.

Về hoàn thiện tổ chức bộ máy của tòa án, dự thảo Luật quy định tổ chức TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh, TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện… Việc này để thể chế hóa nhiệm vụ "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử" được đề ra tại Nghị quyết 27 của Trung ương. Đồng thời quy định này phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của tòa án.

Theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình, thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất tăng thẩm quyền cho tòa án nhân dân sơ thẩm khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có đủ năng lực điều tra, truy tố, xét xử tất cả các loại vụ việc. TAND phúc thẩm sẽ có nhiệm vụ chính yếu là xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định trong hệ thống tòa án có các TAND sơ thẩm chuyên biệt để xét xử một số loại án đặc thù.

Về đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tòa án, Chánh án TAND Tối cao cho biết, đổi mới ngạch, bậc của các chức danh tư pháp thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành trong việc điều động, bố trí, thực hiện chính sách cho thẩm phán, nâng cao niềm tin của người dân đối với các cấp xét xử; khuyến khích thẩm phán chuyên tâm phấn đấu cho hoạt động xét xử để trở thành các chuyên gia có trình độ cao.

Các đại biểu Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).

Ý kiến khác nhau về việc đổi tên

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Hồ sơ dự án Luật đã được TAND Tối cao chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị TAND Tối cao tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ; Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo Luật. Tuy nhiên có ý kiến không tán thành với dự thảo Luật, với lý do, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính thì tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ trong trường hợp nhất định, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta.

Nghị quyết 27 yêu cầu nghiên cứu làm rõ những trường hợp tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử. Do đó, các ý kiến đề nghị quy định những trường hợp toà án thu thập chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Về việc đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, Ủy ban Tư pháp cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban không tán thành với dự thảo về đổi tên, với lý do việc đổi tên gọi chỉ là vấn đề hình thức, chỉ thay đổi tên gọi mà không thay đổi nội dung. Các tòa án này vẫn gắn với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và giữ nguyên về thẩm quyền xét xử.

Việc thay đổi này dẫn tới không tương thích về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương; phải sửa đổi nhiều luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; phát sinh chi phí tuân thủ. Do đó, các ý kiến đề nghị giữ tên gọi của các tòa án này như luật hiện hành đang quy định.

Một số ý kiến tán thành với dự thảo luật để thể chế hóa Nghị quyết 27. Việc đổi mới các tòa án nêu trên khẳng định đúng bản chất để bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử. Quan hệ giữa các tòa án là quan hệ tố tụng, không phải là quan hệ hành chính và bảo đảm nguyên tắc độc lập giữa các cấp xét xử. Việc đổi mới các tòa án không ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của cơ quan dân cử và sự phối hợp công tác với cơ quan tư pháp cùng cấp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.