Độc đáo lễ cúng cây chè tổ của người Mông Suối Giàng, Yên Bái

sự kiện Yên Bái
17:26 - 23/09/2023
Độc đáo lễ cúng cây chè tổ của người Mông Suối Giàng, Yên Bái
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 23/9, tại thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái), người dân địa phương đã tiến hành nghi lễ cúng cây chè tổ. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm theo nghi thức của người Mông nhằm tôn vinh vùng chè Shan tuyết Suối Giàng.

Đây cũng là dịp để giới thiệu nét đẹp văn hoá đặc sắc dân tộc Mông gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của địa phương, cũng như giới thiệu, nâng tầm giá trị thương hiệu chè Suối Giàng với du khách trong và ngoài nước.

Hiện nay Suối Giàng có khoảng 293 ha chè Shan tuyết cổ thụ trên 200 năm tuổi. Năm 2016, quần thể 400 cây chè cổ thụ ở các thôn Giàng A, Giàng B, Pang Cáng, Bản Mới của xã Suối Giàng được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.

Cư dân ở Suối Giàng có 98% là người Mông. Từ lâu, cây chè Shan tuyết giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo. Chè Shan tuyết vừa là niềm tự hào, vừa là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình địa phương.

Do đó, để tỏ lòng thành kính, biết ơn trời đất, các thần linh đã phù hộ cho người dân một năm mưa thuận gió hòa, có những nương chè bội thu, hàng năm người Mông Suối Giàng tổ chức lễ cúng cây chè Tổ theo nghi lễ truyền thống. Nghi lễ này vừa thể hiện nét văn hoá tâm linh, vừa chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, tạo nên nét đẹp độc đáo của Suối Giàng.

Lễ hội được tổ chức hàng năm thường vào giữa Thu hoặc đầu Xuân theo nghi lễ truyền thống của người H'Mông Suối Giàng để cảm tạ trời đất, cảm tạ cây chè Shan tuyết Suối Giàng, giống chè đặc sản của địa phương. Đồng thời, cũng nhằm giới thiệu, quảng bá, nâng tầm giá trị thương hiệu chè Suối Giàng trên thị trường nội địa và quốc tế.

Du khách thập phương tham gia sự kiện sẽ được hòa mình vào những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Mông Suối Giàng như lễ cúng tôn vinh cây chè Tổ, quy trình hái chè, chế biến và thưởng thức chè Shan tuyết cùng các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như giã bánh dày, múa khèn Mông, đẩy gậy, kéo co, ném pao và các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm…

Lễ cúng cây chè tổ tiến hành từ sáng sớm, tại một gốc cây chè cổ thụ được coi là cây chè tổ ở Bản Mới. Người dân tập trung quanh cây chè tổ, cùng nhau dựng một bàn thờ bằng cây tre, trúc, có dán giấy bản, bốn tờ giấy dó màu đỏ có tua giấy ở bốn góc.

Lễ vật được bày lên bàn thờ, gồm hương, rượu, cơm nếp. Bên dưới dưới bàn thờ có một con gà trống đen còn sống. Chủ lễ cúng là già làng hoặc vị cao niên uy tín, đức độ, hiểu biết, thuộc các bài cúng.

Lễ vật được chuẩn bị rất kỹ càng.

Lễ vật được chuẩn bị rất kỹ càng.

Trước khi làm lễ, chủ lễ phải tắm nước lá thơm, mặc quần áo truyền thống. Vào lễ cúng, chủ lễ thắp hương, khấn vái trời đất, tổ tiên, thần linh và cây chè tổ rồi cầm con gà trống đen, hướng về phía mặt trời, đọc lời khấn.

Khấn xong, chủ lễ cắt tiết con gà, lấy tiết bôi lên tờ giấy bản dán ở chính bàn thờ và dán lên đó một túm lông cổ gà. Con gà sau đó được mổ, luộc chín, bày lên bàn thờ, lúc này lễ cúng chính thức được bắt đầu.

Lễ cúng được tiến hành dưới gốc cây chè tổ.

Lễ cúng được tiến hành dưới gốc cây chè tổ.

Chủ lễ đứng trước bàn thờ đọc lời cúng, người các bản xếp hàng phía sau. Khi chủ lễ gọi tên trời đất, tổ tiên, thần linh và cây chè tổ thì những người phía sau cùng quỳ xuống lạy tạ. Sau khi cúng xong, chủ lễ rót rượu ra chén, đổ xuống gốc chè sao cho thấm đượm, sau đó rượu được rót mời mọi người uống “lộc trời”. Kết thúc lễ cúng, chủ lễ cho hóa vàng những tua giấy treo ở bốn góc bàn thờ.

Sau lễ cúng cây chè tổ là phần nghi thức hái và sao hè thủ công theo quy trình truyền thống của người Mông. Cuối cùng là phần hội với các trò chơi dân gian độc đáo như: Múa khèn, ném pao, đánh quay, đẩy gậy, thi giã bánh giày…

Các cô gái người Mông hái chè.

Các cô gái người Mông hái chè.

Chè sau khi hái được sao thủ công ngay tại buổi lễ theo quy trình truyền thống của người Mông.

Chè sau khi hái được sao thủ công ngay tại buổi lễ theo quy trình truyền thống của người Mông.

Trò chơi ném pao của người dân tộc Mông.

Trò chơi ném pao của người dân tộc Mông.

Nhiều năm trở lại đây, lễ cúng cây chè tổ ở Suối Giàng luôn được huyện Văn Chấn chú ý bảo tồn, vừa để gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giáo dục ý thức cội nguồn, vừa là dịp để giới thiệu, quảng bá và nâng tầm giá trị thương hiệu chè Suối Giàng.

Suối Giàng là một xã nằm ở phía Đông Bắc của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, cách trung tâm huyện lỵ 12 km và trung tâm tỉnh lỵ 80 km. Suối Giàng ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, vì thế được hưởng một bầu không khí quanh năm mát lành, sương mù bao phủ rất thuận lợi trong việc phát triển du lịch sinh thái.

Quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ xã Suối Giàng mọc tự nhiên ở độ cao từ 1.300 -1.800 m so với mặt nước biển, quanh năm được bao bọc bởi mây mù, tuổi đời từ 100 đến 300 năm. Những cây chè cổ thụ này được các nhà khoa học xác định đây là thủy tổ của cây chè trên thế giới, với 400 cây chè Shan tuyết cổ thụ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Hiện cả xã Suối Giàng có trên 500 ha chè Shan trong đó có quần thể 400 cây chè Shan trên 100 năm tuổi đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt 600 tấn. Năm 2013, sản phẩm chè Suối Giàng đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền.

Tin liên quan

Đọc tiếp