Đưa làn điệu dân ca của người Tày, Nùng đến Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc

DU LỊCH Cao Bằng
14:32 - 07/10/2023
Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc (Ảnh: Báo Quốc tế)
Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc (Ảnh: Báo Quốc tế)
0:00 / 0:00
0:00
Từ ngày 5 - 9/10, tại Cao Bằng diễn ra Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc năm 2023 với chủ đề “Về miền Non nước” nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, vùng đất, con người Cao Bằng đến du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.

Tối ngày 6/10, tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Lễ hội du lịch thác Bản Giốc năm 2023 với chủ đề “Về miền non nước” đã chính thức khai mạc.

Thác Bản Giốc là trung tâm của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, nổi bật với vẻ đẹp hùng vĩ, nguyên sơ, có giá trị địa chất độc đáo; đã và đang trở thành một điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước.

Trong lễ khai mạc, màn trình diễn xác lập kỷ lục 1.000 người mặc trang phục dân tộc biểu diễn hát Then, đàn Tính lớn nhất Việt Nam được tổ chức giúp mọi người hiểu rõ hơn về những nét văn hoá truyền thống của người dân tộc Cao Bằng.

Thực hiện chủ trương gắn phát triển du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc, Cao Bằng đã chú trọng tuyên truyền người dân giữ nguyên hiện trạng, cảnh quan, kiến trúc, trang phục truyền thống, tạo không gian văn hóa đậm đà bản sắc. Tại các bản văn hóa du lịch cộng đồng, thường xuyên duy trì 1 - 2 đội, câu lạc bộ văn nghệ tổ chức tập luyện, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, các trò chơi dân gian truyền thống...

Hát Then là làn điệu dân ca đặc sắc của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Hát Then chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng dân ca, dân vũ phong phú và đa dạng của người Tày, Nùng. Hát Then thường được biểu diễn trong các ngày lễ, tết, chúc thọ và đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc. Làn điệu Then mượt mà, sâu lắng, cùng âm sắc cao vút của đàn tính đã thu hút, in đậm trong tâm trí của các thế hệ người dân tỉnh Cao Bằng và du khách trong và ngoài nước.

Người dân tộc Tày, Nùng cùng truyền thống biểu diễn hát Then, đàn Tính với chủ đề ngợi ca đất nước, quê hương Cao Bằng.

Người dân tộc Tày, Nùng cùng truyền thống biểu diễn hát Then, đàn Tính với chủ đề ngợi ca đất nước, quê hương Cao Bằng.

Ngoài ra, với chủ đề "Về miền non nước", Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc năm 2023 giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Cao Bằng nói chung, đặc biệt là giới thiệu, quảng bá danh thắng quốc gia thác Bản Giốc đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Đồng thời, cổ vũ, khuyến khích hoạt động phong trào, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo đảm an ninh - quốc phòng, thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới...

Tiếp nối thành công của các mùa lễ hội trước, thỏa lòng mong chờ của bà con và du khách gần xa, Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc năm 2023 được tổ chức trong điều kiện, cơ hội mới khi hai nước Việt Nam và Trung Quốc tổ chức vận hành thí điểm cho du khách hai bên nước qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc của Việt Nam và Đức Thiên của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ lễ hội diễn cũng ra các hoạt động: Khai mạc lễ hội; trưng bày, giới thiệu sản vật, đặc sản, ẩm thực và các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian; triển lãm ảnh “Vẻ đẹp miền Non nước”; tuần lễ trải nghiệm tại vườn dẻ xóm Bản Khấy, xã Chí Viễn.

Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, vùng đất, con người Cao Bằng, thông qua đó, giới thiệu, quảng bá danh thắng quốc gia thác Bản Giốc đến du khách, bạn bè trong nước và quốc tế cũng như thực hiện "Dự án 6 về bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Ban Dân tộc tỉnh phụ trách.

Trong năm 2023, tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu thực hiện đầu tư xây dựng 28 nhà văn hoá xóm, 14 điểm đến du lịch tiêu biểu, hỗ trợ đầu tư bảo tồn 2 làng, bản văn hoá truyền thống tiêu biểu của người dân tộc thiểu số và hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 3 di tích.

Nguồn vốn thực hiện cho dự án 6 của năm nay là 29,376 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư là 15,258 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 14,118 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp