Giải ngân FDI 8 tháng đầu năm cao kỷ lục

FDI Việt nAM
11:02 - 27/08/2023
Giải ngân FDI 8 tháng đầu năm cao kỷ lục
0:00 / 0:00
0:00
Tính tới 20/8/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 13,1 tỷ USD, mức giải ngân cao kỷ lục giai đoạn 2018-2023.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, tính đến ngày 20/8/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, 8 tháng đầu năm có 1.924 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,87 tỷ USD, tăng 69,5% về số dự án và tăng 39,7% về số vốn so với cùng kỳ.

830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 4,53 tỷ USD, tăng 22,8% về số lượt dự án điều chỉnh và giảm 39,7% về số vốn so với cùng kỳ.

Đồng thời, có 2.268 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với 4,47 tỷ USD, giảm 6,5% về số lượt giao dịch và tăng 62,8% về số vốn so với cùng kỳ.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tổng vốn FDI đầu tư đăng ký tiếp tục duy trì mức tăng (tăng 8,2% so với cùng kỳ) và tăng mạnh hơn so với 7 tháng (tăng 3,7 điểm %). Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn, mua cổ phần tiếp tục tăng. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ.

Xét theo lĩnh vực, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD, chiếm gần 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 14,7% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư hơn 1,76 tỷ USD, chiếm hơn 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 47,2% so với cùng kỳ. Các ngành tài chính - ngân hàng, hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ xếp thứ 3 và 4, với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,54 tỷ USD (gấp gần 63,7 lần) và gần 800 triệu USD (tăng 28,9%).

Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 31,2%) và điều chỉnh vốn (chiếm 56,5%). Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn, mua cổ phần (chiếm 42,4%).

Xét theo đối tác đầu tư, trong 8 tháng, có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,83 tỷ USD, chiếm hơn 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 15,4% so với cùng kỳ 2022.

Trung Quốc đứng thứ hai với gần 2,69 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tăng 90,8% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,58 tỷ USD, chiếm hơn 14,2% tổng vốn đầu tư, tăng 73,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)...

Nếu xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 20,7%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 27,6%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 28,7%).

Về địa bàn đầu tư, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,34 tỷ USD, chiếm gần 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,89 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Hải Phòng xếp thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,08 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 72,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP.HCM, Bắc Giang, Bình Dương...

Về giải ngân vốn, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài cũng duy trì đà tăng so với cùng kỳ năm 2022. Tính tới 20/8/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 0,5 điểm phần trăm so với 7 tháng đầu năm. Đây cũng là con số giải ngân cao kỷ lục nhiều năm qua.

Tính lũy kế đến ngày 20/8/2023, cả nước có 38.084 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 453,26 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 287,1 tỷ USD, bằng 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2023 mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, hiện nay, quy mô và xu hướng của dòng vốn đầu tư toàn cầu tiếp tục có sự thay đổi mạnh mẽ do ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị trên thế giới cũng như những biến động nền kinh tế của các quốc gia lớn và nhiều yếu tố khách quan khác.

Bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực mặc dù có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo, với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với các lợi thế như Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

Vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia và triển khai thực hiện hiệu quả 16 Hiệp định FTA đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới với các cam kết sâu rộng và toàn diện như CPTPP, RCEP và EVFTA...

Bên cạnh đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 38 nghìn dự án, tổng vốn đăng ký hơn 452 tỷ USD.

Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn. Cùng với đó, các công trình kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.