Ổn định nguồn vốn giúp các hợp tác xã yên tâm sản xuất. |
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn vay vốn cho các hợp tác xã
Tại cuộc họp Tổng kết tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, chiều 7/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, trong năm 2022, có khoảng 1.546 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập mới, con số này tuy có giảm đi nhưng quy mô và chất lượng tăng lên.
Bộ NN&PTNT xác định hướng đi trong thời gian tới là tập trung phát triển hợp tác xã gắn với vùng nguyên liệu, tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động theo hướng đa dịch vụ, đa giá trị.
Bộ cũng sẽ tập trung hỗ trợ hợp tác xã phát triển dịch vụ logistics. Đây là việc rất cần thiết, hỗ trợ hợp tác xã xây dựng kho, bãi sẽ giúp cho liên kết hợp tác xã với doanh nghiệp đạt hiệu quả.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, vấn đề vốn là yếu tố rất quan trọng. Do đó, lãnh đạo Bộ KH&ĐT kiến nghị có cơ chế pháp lý tháo gỡ vướng mắc để các HTX quy mô nhỏ có thể sử dụng được nguồn vốn tín dụng nội bộ.
Cùng chung trăn trở về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét tạo cơ sở pháp lý cho các ngân hàng cho vay khu vực NN&PTNT được thuận lợi hơn. Đồng thời, ông Bảo cũng kiến nghị các Quỹ tín dụng xem xét cho vay trên cơ sở năng lực kinh doanh của các hợp tác xã.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. |
Trước các kiến nghị về khó khăn tiếp cận vốn của khu vực kinh tế tập thể, đại diện Ngân hàng Nhà nước tại cuộc họp cho biết, thống kê từ các hệ thống ngân hàng đang cho khoảng 1.200 hợp tác xã vay, với dư nợ 6.300 tỷ đồng, chưa kể các cá nhân và hộ gia đình sản xuất nông nghiệp vay.
Liên quan tới Quỹ tín dụng nhân dân, hiện có 1.180 quỹ, đều có tăng trưởng huy động vốn và. Nợ xấu không tăng so với năm 2021, chỉ đạt 0,64%, được đánh giá là một điểm tích cực. “Đây là những con số rất lớn về việc tạo điều kiện cho hợp tác xã và hộ gia đình vay phát triển kinh tế nông nghiệp", đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Về tín dụng nội bộ, Dự thảo Luật Hợp tác xã (Sửa đổi) có điều 83 quy định “cho vay nội bộ” thay cho cụm từ “tín dụng nội bộ”, theo đúng tinh thần NQ20. Dự thảo luật của Bộ KHĐT cũng đã có nghị định hướng dẫn đi kèm.
Cần nhiều cơ chế tạo thuận lợi cho hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn
Để tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã, Báo cáo công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nêu ra các nhóm giải pháp.
Trong đó, báo cáo kiến nghị Bộ Tài chính tập trung nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc Hội sửa đổi các Luật thuế theo hướng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của các Quỹ tín dụng nhân dân xuống mức thuế suất 10%.
Miễn thuế lợi tức vốn góp của thành viên Quỹ tín dụng nhân dân do hoạt động chủ yếu ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, quy mô nhỏ, chịu nhiều rủi ro, không vì mục tiêu lợi nhuận mà chủ yếu là tương trợ, góp phần chống cho vay nặng lãi.
Báo cáo cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng nguồn vốn cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn và khu vực kinh tế tập thể. Cùng với đó là đổi mới và đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để phù hợp với đối tượng khách hàng là các hợp tác xã, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quản lý được chất lượng tín dụng.