Hai kịch bản thị trường chứng khoán tháng 9 và 5 nhóm ngành triển vọng

BSC VN INDEX
06:00 - 06/09/2022
Thị trường chứng khoán tháng 9 sẽ tiếp tục đà tăng từ tháng 8 hay điều chỉnh đi xuống?
Thị trường chứng khoán tháng 9 sẽ tiếp tục đà tăng từ tháng 8 hay điều chỉnh đi xuống?
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi như nội tại nền kinh tế tốt, thị trường bất động sản được thúc đẩy, nới room tín dụng cho ngân hàng... Tuy nhiên tình hình vĩ mô thế giới lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) vừa có báo cáo về thị trường chứng khoán tháng 8 đồng thời đưa ra nhận định về xu hướng thị trường tháng 9.

Theo BSC, VN-Index và HNX-Index trong tháng 8 có xu hướng trái ngược nhau khi VN-Index duy trì đà tăng điểm ấn tượng trong suốt tháng còn HNX-Index bắt đầu xu hướng điều chỉnh từ giữa tháng sau nhịp tăng khá tốt.

Kết thúc tháng 8, chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.280 điểm, P/E ở mức 13,74 lần, tăng 6,43% so với tháng 7 và thấp hơn mức 16,25 lần P/E bình quân 5 năm. P/E VN-Index giữ ở mức định giá hấp dẫn khi đứng thứ 7 châu Á, trong khi P/E HNX-Index ở mức 17,27 lần – đứng thứ 16 khu vực. P/E VN-Index dự báo vận động trong vùng 13,5-14 khi thanh khoản tiếp tục được cải thiện cùng tâm lý lạc quan được duy trì ổn định trên thị trường.

Nhịp tăng điểm ấn tượng cùng tâm lý tích cực lan tỏa trên thị trường trong tháng 8 đã giúp hầu hết các nhóm ngành có diễn biến khả quan hơn so với tháng 7. Thị trường chứng kiến một số phiên rung lắc mạnh do chịu ảnh hưởng từ diễn biến thế giới tuy nhiên kết thúc tháng ghi nhận 9/11 nhóm ngành tăng điểm.

Nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng, nguyên vật liệu, ngân hàng là 3 nhóm ngành có diễn biến tăng điểm tích cực nhất khi tăng lần lượt: 9,26%, 7,91% và 6,13%.

Nhóm ngành viễn thông và dược phẩm y tế là 2 nhóm ngành giảm điểm tiêu cực nhất với mức giảm lần lượt: 3,08, và 2,09%.

Có 6/11 nhóm ngành có P/E dưới mức bình quân thị trường 16,25 lần. Chỉ có 2/11 ngành có P/B giảm so với tháng 7.

9/11 nhóm ngành tăng điểm trong tháng 8.

9/11 nhóm ngành tăng điểm trong tháng 8.

Vốn hóa toàn thị trường tháng 8 tăng tích cực 5,23% so với thời điểm 31/07/2022. Thị trường chứng kiến thanh khoản cải thiện rõ rệt. Giá trị giao dịch bình quân đạt 787 triệu USD/phiên, tăng 36,17% so với tháng 7. Thanh khoản cải thiện tốt khi tâm lý tích cực chiếm vai trò chủ đạo trên thị trường, đặc biệt ngày 29/8, VN-Index chứng kiến giá trị giao dịch khớp lệnh đạt trên 20.000 tỷ đồng. Thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,8-1 tỷ USD/phiên khi VN-Index diễn biến trong kịch bản hướng tới 1.310 – 1.330 điểm, tâm lý tích cực được duy trì ổn định trên thị trường.

Lạm phát và lãi suất vẫn là thách thức

Về các sự kiện ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong tháng 9, BSC cho biết có 3 yếu tố tích cực gồm: Nội tại nền kinh tế trong nước tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, nỗ lực bình ổn giá cả các mặt hàng của Chính phủ phát huy hiệu quả bên cạnh việc thực thi Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội;

Chính phủ ban hành chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững – tạo kỳ vọng vào việc sớm ban hành văn bản sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy thị trường; Ngân hàng Nhà nước thông tin chính thức về room tín dụng cho các ngân hàng thương mại – tạo tiền đề thuận lợi để khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Bên cạnh việc HoSE dự kiến triển khai giao dịch lô lẻ từ 12/09 sẽ tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường.

Nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng trong tháng 8.

Nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng trong tháng 8.

Tuy nhiên, các thách thức với thị trường cũng không ít. Đầu tiên là quan điểm cứng rắn của FED về tăng lãi suất, không loại trừ khả năng FED sẽ nâng lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp. Các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới và khu vực ASEAN tiếp tục lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của mình khi lạm phát ở các quốc gia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, đồng thời có thể tác động đến dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai là việc nền kinh tế Trung Quốc chưa cho thấy tín hiệu phục hồi rõ rệt bất chấp những gói kích thích kinh tế quy mô lớn mà chính phủ nước này ban hành. Lĩnh vực bất động sản và ngân hàng tiếp tục là điểm nóng của Bắc Kinh. Bên cạnh đó là xung đột địa chính trị Nga-Ukraine bước sang giai đoạn mới bên cạnh động thái cứng rắn của Nga cũng như các quốc gia phương Tây về vấn đề năng lượng. Điều này gây rủi ro đến chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.

5 nhóm ngành triển vọng trong bối cảnh hiện tại

Trước bối cảnh đó, BSC đưa ra 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9. Một là VN-Index tích lũy tích cực trong vùng 1.270-1.280 điểm - tạo động lực hướng đến vùng 1.310 – 1.330 điểm khi thanh khoản tiếp tục được cải thiện, bên cạnh yếu tố tâm lý lạc quan được duy trì ổn định bất chấp những thông tin và diễn biến tiêu cực trên thế giới.

Nội tại nền kinh tế tiếp tục khởi sắc, giá cả nguyên vật liệu đầu vào ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh… Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin về room tín dụng cho các ngân hàng thương mại cũng như các biện pháp đẩy nhanh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Chính phủ sẽ tạo hiệu ứng và thúc đẩy cho thị trường.

Kịch bản thứ 2 là sau nhịp tăng điểm ấn tượng trong tháng 8, tâm lý chốt lời và tiêu cực quay trở lại có thể làm lu mờ những phiên tích cực trước đó. Quan điểm cứng rắn trong việc chống lạm phát của FED tiếp tục được thể hiện trong cuộc họp tháng 9 đồng thời xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại. Nền kinh tế Trung Quốc chưa cho thấy tín hiệu khởi sắc khi các vấn đề nội tại chưa được giải quyết bên cạnh tâm lý lo lắng khi các nền kinh tế phát triển đang có dấu hiệu đứng gần hơn với những rủi ro của một cuộc suy thoái. VN-Index dự báo dao động quanh 1.240-1.250 điểm.

P/E của VN-Index đang đứng thứ 7 châu Á.

P/E của VN-Index đang đứng thứ 7 châu Á.

Trong bối cảnh hiện tại, BSC khuyến nghị một số nhóm ngành, cổ phiếu nền tảng cơ bản tốt có thể phân bổ trong danh mục, bao gồm các nhóm: Dầu khí, Phân bón, Hóa chất, Công nghệ thông tin – Bưu chính Viễn thông, Ngành tiêu dùng – Bán lẻ. Nhà đầu tư cần theo dõi thêm các thông tin, diễn biến cập nhật về tình hình thế giới, chính sách điều hành của các nước đặc biệt là cuộc họp của FED (FOMC) sắp tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp