Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 động lực chính của ngành viên nén Việt

Viên nén Việt nAM
09:29 - 13/07/2023
Viên nén gỗ có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Ảnh minh họa.
Viên nén gỗ có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Triển vọng xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản đang ngày càng rộng mở, khi sản phẩm này có lợi thế cạnh tranh và nhu cầu thị trường đang tăng cao.

Báo cáo “Sản xuất và xuất khẩu viên nén 6 tháng đầu năm” của tổ chức Forest Trends và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia sản xuất viên nén lớn thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Mỹ. 95% lượng xuất khẩu viên nén đi vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện.

Trong đó, Hàn Quốc là thị trường được các doanh nghiệp đánh giá là dễ tiếp cận và nhiều triển vọng. Theo thống kê sơ bộ của Forest Trends và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2023, lượng viên nén của Việt Nam xuất đi Hàn Quốc đạt khoảng 0,8 triệu tấn. Dự kiến đến hết năm 2023, lượng xuất của Việt Nam vào thị trường này sẽ đạt khoảng 1 - 1,5 triệu tấn.

Việt Nam là nguồn cung viên nén chính cho Hàn Quốc, chiếm 80% lượng cung trong tổng nhu cầu sử dụng của thị trường này. Tuy nhiên, hiện nay Hàn Quốc đang đa dạng hóa nguồn cung, bao gồm cả nguồn nhập khẩu từ Nga.

Viên nén Nga được đánh giá có chất lượng tốt, giá rẻ. Trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra mỗi năm Nga xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn viên nén ra thế giới, chủ yếu là vào khối EU. Tuy nhiên do xung đột, Nga đang chịu lệnh trừng phạt từ các nước phương tây khiến các doanh nghiệp viên nén của Nga gặp khó khăn trong khâu xuất khẩu.

Ngoài ra, lượng viên nén của Nga dự kiến sẽ không có sự gia tăng đột biến vào Hàn Quốc trong tương lai. Lý do là bởi lệnh trừng phạt áp dụng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Nga làm các công ty năng lượng thuộc sở hữu Nhà nước và các tập đoàn lớn có tên tuổi của Hàn Quốc từ chối sử dụng viên nén từ nguồn này”, báo cáo phân tích.

Về giá xuất khẩu, 6 tháng đầu năm 2023 chứng kiến mức giá biến động rất lớn đối với viên nén Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc. Giá nhập xuất khẩu thấp nhất (FOB Việt Nam) giảm xuống chỉ còn 78 USD/tấn (tháng 4/2023). Đây là mức giá được xác định nằm dưới mức giá sản xuất.

Điều này làm cho một số doanh nghiệp viên nén Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ không có tiềm lực về tài chính phải ngừng sản xuất. Nhằm giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, Chi hội Viên nén đã kết nối với các doanh nghiệp tại Hàn Quốc nhằm cung cấp thêm thông tin về thực trạng sản xuất.

Kể từ sau đó, mức giá xuất khẩu bắt đầu tăng dần. Mức giá xuất khẩu viên nén vào thị trường Hàn Quốc tại thời điểm đầu tháng 7 đạt khoảng 110 USD/tấn. Mức giá xuất khẩu vào Hàn Quốc có xu hướng tăng, tuy nhiên, báo cáo cho biết hiện chưa có thông tin về tốc độ tăng trong thời gian tới.

Bên cạnh Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là một thị trường động lực cho ngành viên nén Việt Nam. Thị trường Nhật Bản có tính ổn định hơn nhiều so với Hàn Quốc, với các đơn hàng dài hạn từ 10 – 15 năm. Tính đến 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn viên nén vào Nhật Bản. Giá nhập khẩu viên nén dao động khoảng 145 – 165 USD/tấn (FOB Việt Nam).

Bên cạnh các hợp đồng dài hạn, một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng thực hiện các hợp đồng ngắn hạn với một số nhà cung ứng Việt Nam. Giá các hợp đồng ngắn hạn thường thấp hơn giá của các hợp đồng dài hạn (hiện ở mức khoảng 125 USD/tấn, FOB), với chất lượng tương đương với sản phẩm xuất theo các hợp đồng dài hạn.

Tuy nhiên, thị trường này cũng yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe hơn Hàn Quốc. Toàn bộ lượng viên nén xuất khẩu đi Nhật đòi hỏi phải có chứng chỉ FSC. Nguyên liệu cho viên nén xuất khẩu đi Nhật là từ nguồn gỗ rừng trồng trong nước, chủ yếu là từ cây keo. Nguồn nguyên liệu này khác với nguồn nguyên liệu tạo viên nén xuất khẩu đi Hàn Quốc.

Thông tin từ một số doanh nghiệp cho biết, cầu viên nén tại Nhật sẽ tăng mạnh trong tương lai. Hiện mỗi năm Nhật Bản sử dụng khoảng 8 triệu tấn viên nén, trong đó 40 - 50% là vỏ hạt cọ dầu, phần còn lại là viên nén từ gỗ.

Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu viên nén tại Nhật Bản sẽ tăng lên 20 triệu tấn, trong đó lượng viên nén gỗ sẽ chiếm khoảng 13 – 15 triệu tấn.

“Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và có chứng chỉ bền vững, có nhà máy sản xuất quy mô, quản lý bài bản”, báo cáo nhấn mạnh.

Từ 2013 - 2022, lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam đã tăng lần lượt là 28 và 34 lần. Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu viên nén đạt 1,57 triệu tấn với kim ngạch đạt khoảng 256,5 triệu USD.

Xuất khẩu viên nén hiện đang trên đà tăng khi nhu cầu tiêu thụ viên nén trên thế giới dự báo sẽ tăng khoảng 250% trong thập kỷ tới, đạt con số 36 triệu tấn từ mức 14 triệu tấn năm 2017. Cầu tiêu thụ tăng chủ yếu tại các nước Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngành viên nén Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường khi cầu tiêu thụ tại Việt Nam bắt đầu có tín hiệu tăng nhanh bởi Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng sạch, bao gồm viên nén nhằm thay thế than trong sản xuất năng lượng.

Tin liên quan

Đọc tiếp