JICA: 'Nhân lực là yếu tố đảm bảo tăng trưởng bền vững của Việt Nam'

JICA Hợp Tác
20:57 - 13/10/2022
JICA hỗ trợ tăng cường đào tạo nhân lực đường sắt đô thị Việt Nam.
JICA hỗ trợ tăng cường đào tạo nhân lực đường sắt đô thị Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Shimizu Akira đánh giá, nhân lực chính là yếu tố để Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững trong quý 4/2022 và tạo đà phát triển 2023, nhất là khi lao động là một trong các yếu tố quan trọng thu hút FDI.

Tại cuộc họp tổng kết hoạt động chính của JICA Việt Nam trong nửa đầu năm tài chính 2022 (1/4/2022 đến 30/9/2022) vừa qua, đánh giá về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong phục hồi kinh tế sau đại dịch, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Shimizu Akiranhận định: “Kinh tế Việt Nam được dự báo ​​sẽ phục hồi ổn định từ năm 2022 cùng với chính sách sống chung với Covid-19 và bổ sung dự toán chi ngân sách".

Tuy nhiên, theo ông Shimizu Akira, Việt Nam vẫn cần thận trọng trước tình hình biến động kinh tế thế giới do xung đột tại Ukraine, vật giá leo thang toàn cầu và việc Mỹ tăng lãi suất. Trước những biến động này, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho rằng vấn đề chất lượng nhân lực và nguồn lao động chính là vấn đề cốt lõi để Việt Nam đảm bảo phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo ông Shimizu Akira, hiện nay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được đẩy mạnh nhờ lực lượng lao động dồi dào và truyền thống lao động cần cù. Nhưng năng suất lao động của Việt Nam tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác, chỉ bằng 10% năng suất của Singapore, 40% năng suất của Thái Lan, 60% năng suất của Philippines.

"Sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng do mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 sẽ khiến đầu tư vào Việt Nam tăng cao và chuyển dịch mạnh mẽ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ dần mất đi lợi thế về nguồn nhân lực do tình hình già hóa dân số trong 30 năm tới và mô hình kinh tế thâm dụng lao động giá rẻ hiện tại sẽ gặp nhiều hạn chế".

Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Shimizu Akira

Nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động được đào tạo lành nghề của Việt Nam theo ông Shimizu Akira vẫn còn hạn chế. “Do vậy, Việt Nam cần khẩn trương phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu lao động tăng cao trong thời gian tới”, ông nhấn mạnh.

Nói thêm về hợp tác nguồn nhân lực trong thời gian tới, ông Shimizu Akira cho biết, JICA đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này như hợp tác với trường Đại học Việt – Nhật (VJU), Viện Phát triển nguồn Nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC) và hợp tác kỹ thuật thực tập sinh kỹ năng.

Xây dựng dự án vốn vay ODA hỗ trợ 13 trường đào tạo nghề

Một yếu tố khác được ông Shimizu Akira nhắc đến để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững cho Việt Nam là việc cải thiện tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất. "Một điều khá ấn tượng là có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vẫn mong muốn mở rộng đầu tư kinh doanh sang Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam hầu như không thay đổi nhiều so với khoảng 10 năm trước đây”, ông nêu thực trạng.

So sánh cụ thể với các nước khác, ông Shimizu Akira cho biết tỷ lệ nội địa hóa ở Trung Quốc là khoảng 60%, ở Thái Lan là gần 50%, còn ở Việt Nam tỷ lệ này chỉ trên dưới 30%, hầu như không thay đổi trong 10 năm trở lại đây. Theo ông, muốn cải thiện được tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam thì việc quan trọng là phải đào tạo lao động có tay nghề.

Ông Shimizu Akira cho biết, JICA đang nỗ lực hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo lao động có tay nghề (công nhân lành nghề) bằng việc lên kế hoạch cùng với Chính phủ Việt Nam xây dựng dự án vốn vay ODA hỗ trợ 13 trường đào tạo nghề. Nếu các thủ tục được hoàn tất và dự án được triển khai, Trưởng đại diện JICA Việt Nam kỳ vọng công tác đào tạo lao động trẻ có tay nghề cao trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ có những phát triển nhất định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.