Khai mạc Festival tôm Cà Mau

Cà Mau Festival tôm
07:23 - 11/12/2023
0:00 / 0:00
0:00
Tối 10/12, tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ khai mạc Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 có chủ đề “Festival tôm Cà Mau 2023 - Tự hào thương hiệu Việt”.

Sự kiện góp phần quảng bá thương hiệu tôm Cà Mau

Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, các bộ ngành, doanh nghiệp tổ chức chuỗi sự kiện.

Phó Thủ tướng cho rằng, đây là một sự kiện quan trọng với quy mô cấp khu vực, sẽ tập trung vào các hoạt động nhằm khơi dậy sức mạnh tổng hợp của tỉnh Cà Mau nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, thể hiện tình cảm trân trọng của nhân dân địa phương với du khách trong và ngoài nước.

Trong chuỗi sự kiện này, tỉnh Cà Mau đã phối hợp tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau, tạo tiền đề và định hướng phát triển, thu hút đầu tư của tỉnh trong chặng đường phát triển mới. Cà Mau còn tổ chức hội nghị kết nối giao thương sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 nhằm trao đổi, chia sẻ các giải pháp, định hướng thúc đẩy hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ, ký kết hợp tác kinh doanh, sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL với các siêu thị, nhà phân phối trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, năm 2023 GRDP của tỉnh Cà Mau ước tăng 7,83% so với cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước. Đối với ngành hàng tôm, năm 2023 cả nước ước đạt 3,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm, trong đó Cà Mau đóng góp hơn 1 tỷ USD, chiếm khoảng 28% và duy trì mốc 1 tỷ USD trong 3 năm gần đây.

Ảnh tác giả

Ảnh: CTTĐT tỉnh Cà Mau

“Ngành tôm Cà Mau đã khẳng định vị trí tại thị trường trong nước và thế giới, đã xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngoài nuôi siêu thâm canh tỉnh Cà Mau còn thực hiện nuôi bền vững như tôm lúa, tôm rừng đều đạt tiêu chuẩn sinh thái hữu cơ”

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, ngành tôm Việt vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như giá con giống, vật tư đầu vào tăng cao, vùng nguyên liệu chưa phát triển tập trung, quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định…

Do đó, để ngành nông nghiệp phát triển hiệu quả, có giá trị gia tăng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành nông nghiệp nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm, xây dựng kinh tế xanh – tuần hoàn, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính…

“Đây là định hướng chiến lược, phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Cà Mau và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hy vọng sự kiện lần này sẽ quảng bá mạnh mẽ thương hiệu tôm Cà Mau và các sản phẩm OCOP của địa Phương đến du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển các ngành nghề, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giao lưu, liên kết hợp tác trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Cà Mau kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh

Chia sẻ tại sự kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, Cà Mau là tỉnh địa đầu cực nam tổ quốc, có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km, có ngư trường rộng lớn trên 80.000 km2, có 3 cụm đảo gần bờ gồm Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc. Cà Mau cũng là nơi có diện tích rừng lớn nhất vùng ĐBSCL, hệ sinh thái đa dạng với rừng ngập mặn, ven biển và rừng tràm nằm sâu trong đất liền tạo nên hệ động thực vật phong phú, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển, khu RAMSAR của thế giới. Đây là tiềm năng, điều kiện cho tỉnh phát triển bền vững.

Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên độc đáo đã mang lại cho Cà Mau nhiều sản vật, đặc sản chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Bên cạnh đó, Cà Mau còn giữ được nhiều diện tích rừng tràm nguyên sinh, rừng đước, đây cũng là tiềm năng mà Cà Mau mời gọi nhà đầu tư cùng khai thác.

Với tiềm năng thế mạnh đang có, tỉnh Cà Mau xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung đầu tư. Hằng năm tổng sản lượng tôm đạt trên 250.000 tấn, chiếm 22% của cả nước. Kim ngạch xuất tôm đạt hơn 1,2 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào sự kiện lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu thủy sản vượt mốc 10 tỷ USD và là quốc gia cung ứng tôm lớn thứ hai thế giới.

Cà Mau tận dụng lợi thế về tài nguyên biển, rừng, trong nhiều năm qua tỉnh đã đẩy mạnh phát triển các loại hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ như tôm lúa, tôm rừng đạt nhiều chứng nhận quốc tế. Sản phẩm tôm Cà Mau tự hào đã có mặt hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 4 thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc.

Ông Huỳnh Quốc Việt cũng nhấn mạnh, Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023 là sự kiện văn hóa – kinh tế - du lịch đầy ý nghĩa, là sự kiện tôn vinh những người nuôi tôm, những người có đóng góp trong ứng khoa học kỹ thuật của ngành… Sự kiện còn là dịp để Cà Mau giới thiệu quảng bá giá trị thủy hải sản, sản vật nổi tiếng của địa phương, sản phẩm OCOP của vùng và một số tỉnh thành trong cả nước.

Ảnh tác giả

Ảnh: CTTĐT tỉnh Cà Mau

“Đây là dịp giao duyên giữa con tôm Cà Mau với nhiều đặc sản của vùng ĐBSCL và cả nước. Nhân dịp này, tỉnh Cà Mau cũng mong muốn và cam kết tạo điều kiện để các nhà đầu tư có cơ hội khảo sát, nghiên cứu tham gia phát triển sản xuất kinh doanh tại tỉnh, góp phần đưa thương hiệu tôm và sản vật tiềm năng của tỉnh, vùng ĐBSCL vươn ra thế giới, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt

Sự kiện Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 có chủ đề “Festival tôm Cà Mau 2023 - Tự hào thương hiệu Việt” là sự kiện có quy mô cấp khu vực, sẽ diễn ra từ ngày 10 - 13/12/2023 tại Quảng trường Phan Ngọc Hiển, TP Cà Mau.

Các chương trình chính được tổ chức trong Festival Tôm Cà Mau gồm chương trình khai mạc; không gian trưng bày triển lãm, thương mại ngành tôm và sản phẩm OCOP, với gần 400 gian hàng tham gia.

Tại Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 Cà Mau sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, ngành thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Đến năm 2030, GRDP của tỉnh cao gấp 2-2,5 lần so với năm 2020; nông lâm ngư nghiệp chiếm khoảng 23% cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm 37%, công nghiệp – xây dựng chiếm 36,5%...

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện cũng có nhiều doanh nghiệp lớn sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp như Đạm Cà Mau, Thủy sản Minh Phú… Trong đó, các doanh nghiệp lớn của ngành tôm Việt Nam có mặt trên địa bàn tỉnh bao gồm Thủy sản Minh Phú (MPC), Camimex Group (CMX).

9 tháng đầu năm 2023, MPC thu về 7.465 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất. Tổng tài sản của doanh nghiệp tại ngày 30/9 đạt 10.973 tỷ đồng. Trong khi đó, 3 quý đầu năm 2023, Camimex mang về 1.282 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tổng tài sản đến ngày 30/9 ở mức 3.318 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp