Khởi công đường vành đai 3 TP HCM và 2 cao tốc trục ngang

Hạ Tầng Tp hcm
12:15 - 18/06/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 18/6, tại TP HCM đã diễn ra lễ khởi công 3 dự án cao tốc gồm: đường vành đai 3 TPHCM và hai cao tốc trục ngang Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu.

Lễ khởi công được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại TP HCM tới các điểm cầu tại tỉnh Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu. Phát biểu tại điểm cầu TP HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là 3 dự án quan trọng quốc gia, kết quả khởi công là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu.

Do vậy, để công trình được hoàn thành đúng tiến độ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông Vận tải (GTVT), Tài nguyên và Môi trường kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Ban quản lý dự án, nhà thầu xây dựng kế hoạch, phương án, tiến độ thi công phù hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng nêu rõ 3 dự án này được đẩy mạnh phân cấp phân quyền (cơ chế đặc thù giao cho các địa phương), được Quốc hội ủng hộ vì vậy, UBND các tỉnh, thành phố phải bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng cho các dự án trong quý 3/2023, chậm nhất là 31/12/2023. Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, có điều kiện mới và sinh kế mới ít nhất phải bằng và tốt hơn nơi cũ.

Thủ tướng đề nghị và kêu gọi người dân có đất phải thu hồi phục vụ dự án tiếp tục ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị, địa phương thi công dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài hơn 76 km đi qua 4 địa phương TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và được chia làm 8 dự án thành phần, mỗi tỉnh, thành phố thực hiện 2 dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.

Theo kế hoạch, đường vành đai 3 TP HCM sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư 8 làn xe, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô 60 km/h. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), đầu tư không liên tục. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, vành đai 3 TP HCM khi hoàn thành sẽ kết nối TP HCM với 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An, hoàn thiện hệ thống giao thông xương sống và thúc đẩy giao thương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài khoảng 117,5 km, tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng chia làm 3 dự án thành phần, do tỉnh Khánh Hòa, Bộ GTVT và tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.

Theo kế hoạch, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết tuyến cao tốc này là tuyến đường chiến lược “kết nối rừng với biển”, nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ, kết nối hành lang vận tải Đông - Tây.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài gần 54 km. Giai đoạn 1, Dự án được đầu tư quy mô 4 - 6 làn xe theo từng đoạn tuyến, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn hoàn thiện, tuyến cao tốc sẽ được mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe. Tổng mức đầu tư chung dự án là 17.837 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần do tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản. Theo lộ trình đề ra, Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ khẳng định cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu sẽ tạo động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ, giúp khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, tạo không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ. Dự án sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng trong quý 4/2023.

Ba dự án này nằm trong chuỗi các dự án trọng điểm ngành giao thông được khởi công trong tháng 6/2023. Trong đó, dự án Châu Đốc- Cần Thơ - Sóc Trăng vừa khởi công ngày 17/6; dự kiến ngày 25/6 sẽ tiếp tục khởi công dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô với chiều dài hơn 112 km, tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (nối Đồng Tháp – Tiền Giang) với chiều dài 27 km, tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, kết nối 2 tuyến cao tốc huyết mạch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.