‘Không mơ sông Mekong đầy phù sa nữa, mà phải chấp nhận đi lên từ khó khăn’

DBSCL NÔNG NGHIỆP
15:19 - 25/09/2022
World Bank công bố báo cáo Hướng tới nông nghiệp xanh ở Việt Nam: chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp.
World Bank công bố báo cáo Hướng tới nông nghiệp xanh ở Việt Nam: chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan trước yêu cầu phải chuyển đổi mô hình sản xuất của Đồng bằng sông Cửu Long và nhấn mạnh đã đến lúc "không chỉ kể lể, than phiền về biến đổi khí hậu nữa mà cần nhìn vấn đề bằng con mắt tích cực hơn”.

“Thay vì nghĩ tỉnh mình được gì hãy nghĩ đồng bằng mình được gì”

Tại Hội thảo Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long và công bố Báo cáo hướng tới nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp do Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (Word Bank) tổ chức ngày 24/9, nhiều ý kiến đóng góp đã được đưa ra về chuyển đổi mô hình sản xuất cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải thay đổi cách nhìn vì sự phát triển bền vững của vùng. “Từ nay thay vì đặt câu hỏi từ các gói tài trợ, địa phương mình được gì, thì nên đặt câu hỏi theo tư duy mới là vùng đồng bằng của mình được gì”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hiện nay, 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 4 vùng sinh thái khác nhau, nên khó có một bảng quy hoạch vùng có thể phù hợp với tất cả các tỉnh. Trên tinh thần thích ứng với bối cảnh đa dạng này, các địa phương cần năng động hơn dựa trên đặc thù của từng địa phương mình.

“Chúng ta phải mở rộng tư duy liên kết và cách tiếp cận mới. Tôi chưa nói tới đồng vốn nhưng nói tới cách tiếp cận mới. Đồng bằng sông Cửu Long sẵn lòng thay đổi, chủ động thay đổi, đón nhận sự thay đổi, để tránh bị thay đổi hay phải thay đổi trong tình thế bị động”, Bộ trưởng NN&PTNT nói.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, giải pháp quan trọng để thực hiện quy hoạch tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là phải thay đổi cách tiếp cận, không nên mãi “kể lể, than phiền” về vấn đề biến đổi khí hậu khiến "tiêu cực hóa cảm xúc".

“Chúng ta không mơ nước sông Mekong đầy phù sa, mà phải chấp nhận và đi lên từ thực trạng khó khăn, hướng tới lợi ích chung của người dân. Vấn đề này đã được đề cập hàng chục năm và bây giờ đã đến lúc người dân đồng bằng cần nhìn biến đổi khí hậu bằng ánh mắt tích cực hơn.”

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các địa phương trong vùng phải năng động trong thực hiện quy hoạch tích hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp bằng nhiều giải pháp. Quan trọng nhất là xóa bỏ tư duy sản lượng. Hướng đến cách tiếp cận gia tăng lợi nhuận thông qua các mô hình sinh kế bền vững cho nông dân trồng lúa, giúp người dân tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Theo ông, ngành nông nghiệp có đặc thù là chiến lược, quy hoạch được hoạch định từ trên xuống dưới, nhưng nông dân mới là người bỏ hạt giống xuống đồng ruộng, bỏ con giống xuống ao hay vào chuồng trại. Chiến lược, quy hoạch được lập ra là cái khung để định hướng cách tiếp cận và phối hợp điều phối cách tiếp cận đó. Quan trọng là sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương như thế nào để phát huy hiệu quả.

“Đứng trước bối cảnh biến đổi khí hậu, biến chuyển xu hướng thị trường, đường hướng phát triển nông nghiệp phải cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng với nông dân. Cùng nhau bàn cho thấu đáo câu chuyện đó, từng dự án nhỏ, từng chuyển đổi để đạt được sự đồng thuận”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Quy hoạch tích hợp ĐBSCL là nền tảng chuyển đổi mô hình sản xuất

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ngành nông nghiệp Việt Nam cho dù đạt rất nhiều thành tựu, nhưng cũng là nhân tố đóng góp quan trọng vào việc phát thải khí nhà kính của đất nước.

“Đã đến lúc bắt buộc phải chuyển đổi sang phương thức canh tác carbon thấp hơn, càng chần chừ lâu, chi phí sẽ càng cao. Kinh nghiệm cho thấy Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, thông qua phân bổ đầu tư công một cách chiến lược. Tăng cường môi trường thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và hiện đại”.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam

Theo bà Carolyn Turk, việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 120 đã đánh dấu sự khởi đầu cho mô hình “chủ động sống chung với thiên nhiên”. Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời tiết thay đổi hay xâm nhập mặn được coi là bình thường mới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dựa trên những ước tính thận trọng, việc cải thiện quản lý nước và tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có thể giúp người nông dân duy trì hoặc gia tăng sản lượng từ 5 – 10%. Đồng thời, giảm chi phí đầu vào từ 20 – 30%, từ đó tăng lợi nhuận ròng ở mức khoảng 25%.

Quan trọng hơn, những kỹ thuật cải tiến này sẽ giúp cắt giảm phát thải khí nhà kính tới 30%. Cách tiếp cận đó đã được thí điểm thành công trên hơn 184.000 ha lúa canh tác trong khuôn khổ dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (VnSAT) do World Bank tài trợ.

Từ đó, bà Carolyn Turk nhận thấy, đã có sự chuyển đổi trong tư duy, tầm nhìn và cách tiếp cận đối với phát triển và quy hoạch ở cấp vùng, từ quy mô nông hộ nhỏ, riêng lẻ từng tỉnh, chuyển sang quan điểm liên tỉnh và toàn vùng đồng bằng. Đồng thời, bà Carolyn Turk xác định, nền tảng của sự chuyển đổi này là quy hoạch tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ thêm về sự đồng hành của World Bank với Đồng bằng sông Cửu Long, ông Benoît Bosquet, Giám đốc Khu vực về phát triển bền vững của World Bank, khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhận định, tương lai của vùng này cần những kiến thức tổng hợp của các chuyên gia.

"Chúng tôi vừa đi các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp và rất ấn tượng với những mô hình phát triển sinh kế ở đây. Chúng tôi muốn thể hiện cam kết của mình cho 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi cảm nhận rất rõ những thiện chí của mọi người và cần tiếp tục hợp tác trong thời gian tới", ông Benoît Bosquet nói thêm.

Tin liên quan

Đọc tiếp