Kim ngạch hai chiều Việt - Mỹ lần đầu đạt 100 tỷ USD

XNK Việt nAM
19:05 - 03/01/2022
Kim ngạch hai chiều Việt - Mỹ lần đầu đạt 100 tỷ USD
0:00 / 0:00
0:00
Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh với kỷ lục đạt hơn 100 tỷ USD trong năm 2021.

Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu kim ngạch hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đều tăng trưởng dương, trong đó Hoa Kỳ tiếp tục là một trong thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam. Khi giao thương giữa hai nước được tái thiết lập năm 1995, trị giá xuất nhập khẩu song phương gần như không đáng kể. Nhưng đến năm 2021 đã đạt hơn 100 tỷ USD và tăng khoảng 200 lần so với năm 1995.

Sau nhiều năm đàm phán và đi đến ký kết, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 10/12/2001. Theo thống kê từ cả phía Việt Nam và Hoa Kỳ, Hoa Kỳ nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam chỉ sau 2 năm thực hiện BTA.

Kết quả này có được từ sự nỗ lực thương mại của hai nước thông qua các hiệp định thương mại, cụ thể là Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA). BTA có hiệu lực đã thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ từ 1,5 tỷ USD năm 2001 lên tới 50,8 tỷ USD vào cuối năm 2017 và đạt 90 tỷ USD vào năm 2020, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 86,03 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng nhanh nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 15,57 tỷ USD; tiếp đến là gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,94 tỷ USD, tăng 24,6%. Mặt hàng máy tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,56 tỷ USD, tăng 23%; giày dép các loại đạt 6,62 tỷ USD, tăng 17,4%...

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Hoa Kỳ vào Việt Nam đạt 14,1 tỷ USD. Trong đó, có 2 mặt hàng nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,5 tỷ USD: bông các loại đạt 1,1 tỷ USD.

Kết quả đạt được này càng có ý nghĩa hơn khi vào đầu năm 2021, thương mại hai nước bị phủ bóng bởi Hoa Kỳ khởi xướng điều tra về chính sách kiểm soát ngoại hối và về nguồn gốc xuất xứ gỗ. Các cơ quan hữu quan của hai bên đã phối hợp tốt, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, và sau khi kết thúc hai cuộc điều tra này, phía Hoa Kỳ đã không áp đặt thuế quan.

"Cả hai nước đều rõ ràng nhận thấy là hai bên cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các mối quan hệ về thương mại, về đầu tư. Không chỉ về thương mại, đầu tư, quan hệ hai nước còn vì các vấn đề mang tính thách thức toàn cầu như phòng chống Covid-19, vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải. Các vấn đề toàn cầu này sẽ tác động tích cực trở lại với quan hệ thương mại, đầu tư".

Ông Nirav Patel, Giám đốc điều hành, đồng sáng lập The Asia Group, Hoa Kỳ

Tuy nhiên, thương mại song phương phát triển đồng nghĩa với việc các cuộc điều tra, phòng vệ theo khuôn khổ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và theo đề nghị đơn phương của doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng sẽ gia tăng. Đây sẽ là thách thức trong tương lai gần đối với các doanh nghiệp, nếu như có sự chuẩn bị tốt và bài bản thì thị trường Hoa Kỳ sẽ trở thành “miếng bánh ngọt” của doanh nghiệp Việt.

Theo ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ: "Chúng tôi thường xuyên khuyến nghị với các doanh nghiệp là bám sát các quy định về kiểm soát xuất xứ, các quy định về lưu trữ, truy xuất nguồn gốc, thông tin và đặc biệt là khi xảy ra các yêu cầu về điều tra, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ và Việt Nam. Điều này đảm bảo làm sao phía Hoa Kỳ có được thông tin đầy đủ, khách quan và đưa ra được các kết luận công bằng nhất, bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp của chúng ta".

Tin liên quan

Đọc tiếp