Cơ hội xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Tây Ban Nha

XUẤT KHẨU Việt nAM
15:58 - 12/12/2021
Cơ hội xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Tây Ban Nha
0:00 / 0:00
0:00
Các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và được đánh giá  là một trong những mặt hàng đem lại giá trị xuất khẩu lớn.

Mặt hàng có giá trị gia tăng cao

Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác; giải quyết việc làm từ 3 đến 5 ngàn lao động, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỉ suất lợi nhuận cao. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng mũi nhọn để tập trung phát triển xuất khẩu trong các năm tới.

Sản xuất hàng thủ công ở Việt Nam chủ yếu dựa trên một hệ thống gồm 2.556 làng nghề trên toàn quốc. Các làng nghề đã tạo việc làm cho khoảng 5,2 triệu lao động nông thôn. Mặc dù ngành thủ công mỹ nghệ có kim ngạch xuất khẩu không cao so với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác, nhưng hàng mỹ nghệ lại mang về cho đất nước nguồn ngoại tệ có một tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu.

Do việc sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công phần lớn khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ và hầu như không phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu (ước tính chỉ chiếm từ 3-3,5% giá trị xuất khẩu) nên thuộc nguồn hàng hóa có tính nội lực cao, đồng thời là ngành có điều kiện phát triển ở nhiều khu vực, vùng miền, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của những nơi này. Bên cạnh đó, lực lượng lao động, có kỹ năng và khả năng tiếp thu công nghệ mới khá nhanh chóng, mức lương của lao động Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực đó cũng là một ưu thế cho phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ một cách đa dạng và nâng cao sức cạnh tranh.

Các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD (2015) lên đến 2,23 tỷ USD (2019).

EU trong đó có Tây Ban Nha là một trong những thị trường nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tiềm năng của Việt Nam. Đánh giá về thị trường này, ông Vũ Chiến Thắng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Tây Ban Nha cho biết, Tây Ban Nha là thị trường có GDP thuộc top đầu EU, là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong khối EU. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Tây Ban Nha năm 2019 đạt 3,2 tỷ USD, năm 2020 đạt 1,66 tỷ USD, 10 tháng năm 2021 đạt 2,56 tỷ USD.

Ảnh minh họa mặt hàng thủ công xuất khẩu của Việt Nam

Ảnh minh họa mặt hàng thủ công xuất khẩu của Việt Nam

Hàng TCMN xuất khẩu chủ yếu bao gồm 5 nhóm: Túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; hàng gốm sứ; sản phẩm mây, tre, cói, thảm; gỗ mỹ nghệ. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thời trang, quà tặng đã được xuất khẩu tại chỗ thông qua việc phục vụ nhu cầu mua sắm của khách nước ngoài đến Việt Nam (hiện chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu - khoảng 15 USD/khách). Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu tại chỗ của Việt Nam thời gian qua chưa được chú trọng một cách chiến lược. Do không phải là sản phẩm thiết yếu nên mặt hàng này phải chịu những tác động tiêu cực khi dịch Covid-19 bùng phát.

Thị trường tiềm năng cho mặt hàng

Tây Ban Nha là thị trường tiềm năng, nước bạn nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn nhằm khai thác khách du lịch.

Dù tiềm năng lớn nhưng khi xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Tây Ban Nha, các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải không ít khó khăn, thách thức nhất là từ khí hậu và những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng.

Để hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam thâm nhập hơn nữa vào thị trường EU nói chung và Tây Ban Nha nói riêng, trong Phiên‌ ‌tư‌ ‌vấn‌ ‌xuất‌ ‌khẩu‌ ‌sang‌ ‌thị‌ ‌trường‌ ‌Tây Ban Nha đối với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ông Vũ Chiến Thắng khuyến nghị: Doanh nghiệp nên nghiên cứu hợp tác đi đến xây dựng thương hiệu chung cho hàng hóa xuất khẩu và liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng với các bạn hàng Tây Ban Nha.

Bên cạnh đó cần tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ và năng lực sản xuất, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn hiện hành. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến trách nhiệm xã hội trong sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa sang EU cũng như sang Tây Ban Nha.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm hơn về các vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội, trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nguồn gốc và tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng, các vấn đề liên quan đến các tập quán lao động, an toàn và sức khỏe của công nhân, sản xuất sạch-thân thiện với môi trường… Các sản phẩm thủ công sử dụng nguyên liệu tận dụng và tái chế và kênh thị trường thương mại bình đẳng ngày càng được phát triển.

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần thường xuyên đổi mới mẫu mã, màu sắc sản phẩm theo xu hướng nội thất của thị trường tiêu dùng; chất lượng sản phẩm phải được đảm bảo và duy trì thường xuyên, đáp ứng các yêu cầu, chứng chỉ, hướng tới các sản phẩm hữu cơ, organic; đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng số hóa và tham gia các kỳ hội chợ chuyên ngành uy tín.

Tin liên quan

Đọc tiếp