Lãi suất tiết kiệm ngân hàng tiếp tục tăng, VIB tăng đến 0,8 điểm %

NGÂN HÀNG Việt nAM
17:54 - 14/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Giữa tháng 6, các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động, biên độ phổ biến tại mỗi đợt tăng lãi này là 0,1 - 0,5%/năm, thậm chí có nhà băng tăng đến 0,8%.

Trong đợt tăng lãi suất tiết kiệm tháng 6/2022, không chỉ dừng lại ở cục bộ một số ngân hàng nhỏ mà đã trở thành xu hướng, khi hầu hết nhà băng đã bắt đầu nhập cuộc.

Cụ thể, đầu tháng 6, BIDV là ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đầu tiên tham gia làn sóng tăng lãi suất huy động sau gần một năm giữ nguyên mức lãi suất cũ. Ngân hàng này điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm lãi suất ở tất cả kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, hiện cố định ở 5,6%/năm.

Mặc dù không tăng lãi suất gửi tại quầy, nhưng Vietcombank cũng cộng thêm 0,1 điểm phần trăm cho hình thức gửi trực tuyến trên website lên mức 5,6%/năm.

Ở nhóm các ngân hàng thương mại, VIB là ngân hàng có mức độ điều chỉnh tăng mạnh nhất trên thị trường, tăng thêm 0,8% cho kỳ hạn 6 tháng, lên mức 5,8%/năm. Kỳ hạn 24 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,4%, lên 6,2%/năm. Trong tháng 6/2022 cũng ghi nhận loạt ngân hàng như SCB, OceanBank, BaoVietBank, PGBank, ACB, SHB... thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất với mức phổ biến thêm 0,1 - 0,4%/năm.

Trước đó, Techcombank có chính sách tặng thêm 0,5%/năm lãi suất đối với khách hàng gửi tiền lần đầu. Tương tự, VPBank tăng thêm 0,3% lãi suất đối với tiền gửi các kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng, đưa lãi suất lên 6,4%/năm. VietCapitalBank tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất là 7%/năm ở kỳ hạn 24 tháng theo hình thức trực tuyến…

Tuy nhiên, dẫn đầu danh sách lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay tiếp tục là SCB với mức lãi suất 7,6%/năm. Mức lãi suất niêm yết này đối với kỳ hạn 13 tháng và chỉ áp dụng cho món tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên.

Đứng thứ hai là Kienlongbank khi tăng mạnh 0,55 điểm phần trăm từ mức 6,75%/năm lên 7,3%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng lĩnh lãi cuối kỳ.

HDBank đang đứng vị trí thứ ba trong bảng so sánh lãi suất ngân hàng tháng này. Lãi suất ngân hàng HDBank vẫn tiếp tục duy trì ở mức 7,15%/năm, áp dụng cho số tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên gửi tại kỳ hạn 13 tháng.

Theo sau đó là hai ngân hàng Techcombank và ACB với lãi suất khá cao là 7,1%/năm. Techcombank áp dụng mức lãi suất này với khoản tiết kiệm tối thiểu 999 tỷ đồng tại kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó ACB đang niêm yết lãi suất 7,1%/năm cho tiền gửi từ 100 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 13 tháng.

Trong báo cáo vĩ mô mới phát hành, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết lãi suất huy động đã nhích tăng với mức tăng trung bình 0,1 - 0,2 điểm %, cá biệt tại kỳ hạn 12 tháng, mức tăng đạt xấp xỉ 0,7 điểm %. Như vậy, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã tăng 0,3 - 0,8 điểm %.

Dự báo cho thấy Ngân hàng Nhà nước sẽ bắt đầu tăng lãi suất điều hành trở lại từ nửa cuối năm nay, như là cách ứng phó với lạm phát kỳ vọng cũng như đi theo xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước. Khi đó, một cuộc đua tăng lãi suất đầu vào có thể lại được kích hoạt, nhất là khi càng về cuối năm thanh khoản của hệ thống càng chịu áp lực nhiều hơn.

Tổng thể toàn hệ thống, năm nay nhu cầu tín dụng đã và đang tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất tiết kiệm để củng cố nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng ở các kỳ hạn, qua đó đáp ứng nhu cầu tín dụng tốt hơn từ nay đến cuối năm.

Riêng việc các ngân hàng thương mại chỉ điều chỉnh nhẹ biểu lãi suất huy động chủ yếu là do vẫn giữ được lợi thế về nguồn vốn. Trong đó, nguồn tiền gửi có kỳ hạn từ Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng này trong 3 tháng đầu năm tăng khoảng 66.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các chương trình miễn phí chuyển khoản kể từ đầu năm 2022 cũng đang phát huy hiệu quả để hút tiền gửi không kỳ hạn về.

Tin liên quan

Đọc tiếp