Lãnh đạo Vinahud lý giải ‘mối quan hệ cộng sinh’ với R&H Group

VHD Vinahud
13:57 - 24/06/2024
Chủ tịch HĐQT Trương Quang Minh (giữa) chủ trì đại hội, cùng Thành viên HĐQT Ngô Đức Tâm (trái) và Tổng giám đốc Nguyễn Minh Tuấn (phải). Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN
Chủ tịch HĐQT Trương Quang Minh (giữa) chủ trì đại hội, cùng Thành viên HĐQT Ngô Đức Tâm (trái) và Tổng giám đốc Nguyễn Minh Tuấn (phải). Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Hai vấn đề được cổ đông Vinahud quan tâm hàng đầu tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 là khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh và mối quan hệ với một trong những đối tác chính - Tập đoàn R&H (R&H Group).

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud (UPCOM: VHD) được tổ chức tổ chức ngày 24/6 tại Tòa nhà Vinahud, 105 Nguyễn Bá Khoản, Trung Hòa, Cầu Giấy Hà Nội.

Đại hội thường niên lần này có ý nghĩa quan trọng với Vinahud, khi trong năm 2023 công ty đã tiến hành mua lại 83% phần vốn tại Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends và 100% Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng từ R&H Group. Tổng giá phí của 2 thương vụ là 1.937,5 tỷ đồng, trong đó, 80% nguồn vốn, tương đương 1.550 tỷ đồng được thu xếp bởi TPBank.

Trong số 2 cái tên kể trên, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends sở hữu 50,99% cổ phần CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú Hải - chủ đầu tư dự án Grand Mercure Quảng Nam. Cùng với phần 49% mua từ năm 2021, Vinahud trực tiếp và gián tiếp sở hữu 99,99% cổ phần Xuân Phú Hải.

Trong khi đó, Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng sở hữu khoảng 40% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư Bất động sản Prime Land - chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Làng hoa Tiền Phong quy mô 40ha tại huyện Mê Linh, Hà Nội.

Hai thương vụ M&A này mở rộng đáng kể quy mô của Vinahud. Tính đến cuối năm 2023, tổng nguồn vốn của Vinahud đạt 4.975 tỷ đồng, cao hơn 8 lần so với thời điểm đầu năm. Chiếm 95% trong số đó là nợ phải trả, với 2.357 tỷ đồng là nợ vay tài chính, cao hơn nhiều con số 77,66 tỷ đồng của đầu năm 2023.

Chi phí lãi vay tăng mạnh là một trong những lý do chính khiến Vinahud báo lỗ gần 164 tỷ đồng trong năm 2023. Tiếp tục được dự báo là năm có nhiều khó khăn với lĩnh vực bất động sản, sang năm 2024, Vinahud lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất 603 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18,75 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với năm 2023.

VHD còn cách xa kế hoạch kinh doanh, khi trong quý 1/2024, công ty ghi nhận 50 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm mạnh so với 71,7 tỷ đồng của quý 1/2023, lợi nhuận gộp từ đó cũng giảm 67% về còn 2,6 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, Vinahud tiếp tục báo lỗ 51,4 tỷ đồng.

Khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh của Vinahud là một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm hàng đầu tại đại hội lần này.

Trả lời cổ đông, ông Ngô Đức Tâm – Thành viên HĐQT cho biết dựa trên cơ sở hoạt động của công ty con, dự kiến sau khi hoàn thiện các vấn đề pháp lý, Vinahud sẽ thúc đẩy lại chương trình bán hàng của dự án Grand Mercure vào cuối năm 2024 và năm 2025.

“Bên cạnh đó, công ty sẽ tìm kiếm nhà đầu tư liên quan đến Prime Land. Có thể chúng tôi sẽ bán một phần vốn, để có thêm nguồn thu và giảm bớt nợ vay của công ty. Đây là 2 kế hoạch ngắn hạn trong năm 2024 của VHD để đảm bảo kế hoạch có lãi,” ông Ngô Đức Tâm cho biết thêm.

Về dự án Làng Hoa Tiền Phong, theo ông Ngô Đức Tâm, công ty chưa có kế hoạch gia tăng sở hữu, dự án cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai, hiện tại dự án chưa đủ điều kiện khởi công. HĐQT đang phối hợp cùng các đối tác trong liên doanh triển khai dự án, cố gắng khởi công trong năm 2025.

Nhận định về dự án Grand Mercure, Chủ tịch HĐQT Trương Quang Minh cho biết thị trường bất động sản năm vừa qua rất khó khăn khó khăn, đặc biệt là đối với các dự án nghỉ dưỡng. Vinahud sở hữu 99,99% cổ phần dự án này, công ty đã kết hợp chặt chẽ với các tổ chức tài chính để tiếp tục đầu tư thực hiện dự án.

“Vinahud với tư cách là chủ đầu tư, chúng tôi bằng mọi cách nỗ lực để khi bán nhà cho khách hàng, giữ cam kết bàn giao. Dự án này ngoài khó khăn thị trường, còn liên quan đến các yếu tố khách quan, liên quan đến các thủ tục của cơ quan quản lý Nhà nước,” ông Trương Quang Minh cho biết.

Theo luật xây dựng mới, các công trình phải có quy hoạch phân khu. Tuy nhiên ở Quảng Nam và các địa phương ngoài trực thuộc Trung ương, điều này vẫn còn hạn chế. Trong thời gian vừa qua, công ty đã tích cực làm việc với địa phương để hoàn thiện tiếp các thủ tục pháp lý để dự án tiếp tục triển khai.

Theo Chủ tịch Vinahud, dự kiến đến tháng 6/2025, công ty sẽ bàn giao những căn hộ, căn villa đã triển khai ở phân khu thấp tầng, tiếp tục hoàn thiện phần hạ tầng của phần villa để bàn giao cho khách hàng.

Mối quan hệ cộng sinh với R&H Group

Hai thương vụ M&A Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends và Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng còn có ý nghĩa lớn với R&H Group, khi diễn ra không lâu trước khi 3 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá 2.500 tỷ đồng của R&H Group đáo hạn (từ ngày 14/4-3/5/2023).

Giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, R&H Group đã phát hành thành công 8.150 tỷ đồng trái phiếu, với CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đóng vai trò là bên thu xếp.

Mối quan hệ của R&H Group cũng là một vấn đề khác được cổ đông quan tâm tại đại hội. Trả lời cổ đông, ông Ngô Đức Tâm cho biết R&H là một trong những đối tác cùng phát triển các dự án của Vinahud. Tuy nhiên, hoạt động và cơ cấu sở hữu của 2 công ty là hoàn toàn độc lập, có các cổ đông khác nhau.

“Chúng tôi có những mối quan hệ cộng sinh để cùng tận dụng lợi thế của nhau, tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực bất động sản,” vị lãnh đạo Vinahud cho biết.

Tính đến cuối năm 2023, Vinahud ghi nhận 510,3 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn đối với R&H Group. Đây là khoản vay ngắn hạn tín chấp, với lãi suất 4%/năm, thời hạn vay từ 9-12 tháng.

Về các khoản phải thu với R&H, theo ông Ngô Đức Tâm, R&H và Vinahud hiện đang có những hoạt động liên quan đến chuyển nhượng và hợp tác đầu tư các dự án, nên sẽ phát sinh những khoản phải thu trong quá trình phát triển dự án. Có những khoản tồn đọng từ thời gian trước và có những khoản mới phát sinh, các khoản phải thu vẫn đảm bảo thời hạn và đảm bảo quy định của pháp luật pháp luật.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thu Hằng (giữa) chủ trì ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của OCH. Ảnh: OCH

Thương vụ nghìn tỷ của OCH và IDS Equity Holdings

Vào tháng 11/2023, CTCP One Capital Hospitality chuyển nhượng 99% vốn của Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng. Ngay sau động thái này, Bình Hưng tăng mạnh vốn từ 65 tỷ đồng lên 2.150 tỷ đồng, trước khi được bán lại cho chính OCH vào cuối năm 2023.
Trong năm 2024, DGC sẽ nghiên cứu sáp nhập CTCP Phốt Pho Apatit Việt Nam (UPCoM: PAT) vào DGC.

Đức Giang muốn sáp nhập PAT

CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Đức Giang – HoSE: DGC) ngày 2/3 công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Buổi họp sẽ diễn ra vào ngày 29/3 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Almaz , Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội.