Lập 3 đoàn thanh tra các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu

Xăng Dầu Việt nAM
15:07 - 15/02/2022
Đoàn kiểm tra tại một cửa hàng kinh doanh xăng dầu theo quyết định 150/QĐ-BCT của Bộ Công thương.
Đoàn kiểm tra tại một cửa hàng kinh doanh xăng dầu theo quyết định 150/QĐ-BCT của Bộ Công thương.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ Công thương, tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa không bán sẽ trở nên phổ biến nếu không có biện pháp quyết liệt để loại bỏ. Vì vậy, Bộ đã thành lập các đoàn thanh tra để lành mạnh hóa thị trường.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký quyết định thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đây sẽ là hoạt động thanh tra đột xuất được thực hiện bởi ba đoàn thanh tra chuyên ngành, để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối.

Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến do Bộ trưởng Công Thương chủ trì về nội dung kinh doanh xăng dầu diễn ra ngày 9/2, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ Công Thương tham mưu thành lập đoàn thanh tra để tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu, ngay sau khi có hiện tượng các cây xăng đóng cửa bất thường.

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng đặt vấn đề: Nguồn cung không thiếu, vậy có hay không có tình trạng găm hàng? Các cơ quan quản lý đã vào cuộc xử lý nghiêm chưa? Các đơn vị thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối được cấp phép nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đã thực hiện đúng quy định và vai trò chưa?

Đồng thời, ông Diên cũng khẳng định: "Tinh thần chung của Bộ Công Thương là kiên quyết thu hồi giấy phép nếu phát hiện vi phạm. Kể cả giấy phép của cửa hàng bán lẻ hay doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, không dừng lại ở việc xử phạt hành chính. Nếu các cục quản lý thị trường địa phương, sở công thương các địa phương 'làm ngơ', hoặc làm không hết trách nhiệm cũng sẽ xử lý nghiêm, thậm chí tạm đình chỉ công tác đối với những cán bộ này".

Động thái quyết liệt của Bộ Công thương diễn ra ngay sau khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ này thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay đối với các đơn vị liên quan đến cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Tình trạng các cây xăng treo biển “hết hàng” diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán, gây khó khăn cho hoạt động đi lại, vận chuyển của người dân. Ngoài TP HCM, hiện tượng cây xăng tạm ngừng bán còn diễn ra tại nhiều tỉnh thành như Đồng Nai, Bình Dương, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đăk Nông...

Theo trình bày của một số cửa hàng xăng dầu, họ phải đóng cửa vì "càng bán càng lỗ" khi giá xăng nhập về kho còn cao hơn cả giá họ bán lẻ cho người tiêu dùng. Trước đây, khi bán một lít xăng, họ được hưởng chiết khấu (hoa hồng) 200-1.000 đồng. Nhưng khi giá thế giới tăng mạnh, hầu hết đầu mối đều giảm mức hoa hồng xuống rất thấp.

Trước Tết, một số đầu mối duy trì chiết khấu chỉ 100-150 đồng một lít xăng, dầu tuỳ loại, sau Tết thì kéo về 0 đồng, thậm chí là âm. Với tỷ lệ hoa hồng này, cộng thêm các chi phí khác thì đại lý xăng dầu bị lỗ nặng. Ngoài chiết khấu thấp, theo các đại lý, nguồn cung cũng khan hiếm khi Lọc dầu Nghi Sơn - nhà máy lọc dầu chiếm khoảng 35% thị phần trong nước cắt giảm sản lượng.

Nguồn cung vẫn đảm bảo

Trong khi đó, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, thiếu xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng, đại lý của các doanh nghiệp nhỏ, do tâm lý găm hàng nhằm trục lợi. "Chúng ta có đủ công cụ, bộ máy để bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu như quy định dự trữ xăng dầu bắt buộc của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 20 ngày...", ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, hiện nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu. Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn (chiếm trên 90% thị phần), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay.

Lãnh đạo Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí cũng thông tin, những vướng mắc trước mắt của nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn hiện đã được tháo gỡ. Từ giữa tháng 2, nhà máy sẽ dần khôi phục lại sản xuất như bình thường. Trong khi đó, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% từ trước Tết; và từ ngày 7/2/2022 đã nâng công suất lên 105%.

Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã ký quyết định số 150/QĐ-BCT thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành của định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp. Trong sáng 10/2/2022, Đoàn thực hiện thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long – nơi được người dân, báo chí phản ánh về hiện tượng xuất hiện các biển treo “hết xăng”.

Ghi nhận cho thấy, tại thời điểm kiểm tra có đơn vị đã không còn hàng trong bồn để bán, trong quá trình chờ đơn vị đầu mối tiếp thêm đã “Treo biển hết xăng”. Tuy vậy, cũng có đơn vị vẫn còn hàng nhưng không mở bán với nhiều lý do khác nhau… Trên cơ sở này, Bộ Công thương cho rằng cần thiết phải tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên ngành để chấn chỉnh và làm lành mạnh thị trường xăng dầu.

Trong khi đó, sau khi tăng giá xăng đầu từ 15h ngày 11/2, các cây xăng tạm ngưng bán hàng trước đó đã đồng loạt mở bán trở lại, kể cả các cây trước đó đóng cửa. Đây là kỳ điều chỉnh tăng lần thứ ba liên tiếp kể từ đầu năm 2022 đến nay, do tác động của diễn biến giá thế giới tăng.

Đây cũng là kỳ điều hành lần thứ ba của liên bộ Công thương - Tài chính kể từ khi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực. Theo đó, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh 3 lần mỗi tháng, với lịch điều chỉnh giá là các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng, tức là điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần thay vì 15 ngày/lần. Tuy vậy do kỳ điều chỉnh vào ngày 1/2 vừa qua rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên theo quy định sẽ không điều chỉnh giá vào kỳ này mà chuyển sang kỳ kế tiếp vào 11/2.

Giá xăng dầu từ 15h ngày 11/2:
Giá xăng E5RON92 tăng thêm 980 đồng/lít, từ 23.590 đồng/lít lên mức 24.570 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng thêm 960 đồng/lít, từ mức 24.360 đồng/lít lên mức 25.320 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu cũng tăng từ 660 - 960 đồng/lít. Trong đó, dầu diesel 0.05S có giá 19.865 đồng/lít. Dầu hỏa có mức giá tăng cao nhất với 960 đồng/lít, có giá 18.751 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 17.659 đồng/kg.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nhà thờ Đức Bà tại TP HCM.

TP HCM sẽ quảng bá du lịch tại Australia

Sở Du lịch TP HCM, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney sẽ tổ chức chương trình Quảng bá Du lịch Việt Nam - TP HCM  tại hai bang New South Wales và Victoria, Australia từ ngày 13-17/5/2024.