Luân chuyển gần 45.200 lượt cán bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng

pháp luật QUỐC HỘI
12:19 - 21/11/2023
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong - Ảnh: quochoi.vn
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 45.192 lượt cán bộ, công chức, viên chức.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, sáng 21/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, ông Đoàn Hồng Phong nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 8.211 cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 938 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, số trường hợp vi phạm tăng 109% so với năm 2022. Có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng.

Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 45.192 lượt cán bộ, công chức, viên chức.

Trong kỳ đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 545.535 người đã kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; 44.015 người đã kê khai tài sản, thu nhập bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 là 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định… Có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, ông Đoàn Hồng Phong cho biết có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.

Có 42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó khiển trách: 16 người; cảnh cáo: 13 người; cách chức: 13 người).

Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, các cơ quan điều tra trong lực lượng công an đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can. Đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can­­.

Đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, ông Đoàn Hồng Phong cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

"Có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân", báo cáo nêu.

Bên cạnh đó, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra. Vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gây dư luận không tốt.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp tục rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt là pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, quản lý đất đai, tài nguyên, quy hoạch xây dựng, đấu thầu, đấu giá, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…Tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đọc tiếp