'Mỗi địa phương nên xây dựng các sản phẩm du lịch thật đặc thù'

DU LỊCH Việt nAM
17:59 - 07/10/2023
"Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia” lần thứ I. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN
"Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia” lần thứ I. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Để phát triển tổng thể du lịch quốc gia, mỗi địa phương cần phát triển sản phẩm du lịch thật sự đặc trưng của mình, đồng thời chú trọng mở rộng liên kết giữa các tỉnh tạo thành các cụm du lịch.

Ngày 7/10, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia đã tổ chức "Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia” lần thứ I (National Tourism Industry Summit) cùng bàn về những giải pháp thúc đẩy du lịch hồi phục trở lại sau đại dịch.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam, ông Andrew Goledzinowski nhận xét: "Ngành du lịch Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn, nếu so sánh Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore".

TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia đánh giá: “Du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Trước đại dịch Covid-19, du lịch đã đóng góp ước tính 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho gần 5 triệu người trong các lĩnh vực phụ trợ của du lịch và liên ngành".

Dù vậy du lịch vẫn chưa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đâu đó vẫn thiếu chính sách phù hợp để phát triển. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ ngành du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia.

Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN

Trong bối cảnh du lịch đang từng bước phục hồi sau đại dịch, ông Lộc cho rằng Việt Nam cần có nhiều hơn các chính sách khuyến khích du lịch phát triển. Các địa phương cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của mình, đồng thời mở rộng liên kết với các tỉnh khác khai thác tốt các thế mạnh, thu hút nhiều hơn du khách tham quan trải nghiệm.

Đây chính là nền tảng để phát triển tổng thể du lịch quốc gia, ông Lộc nói.

Xác định mô hình du lịch cho từng địa phương

Nhìn từ góc độ của doanh nghiệp phát triển du lịch, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nova Nguyễn Thị Thùy Dương cho rằng: "Mỗi địa phương muốn phát triển các sản phẩm du lịch cần phải xác định được mô hình du lịch cho riêng mình. Mỗi nơi tối đa 3 mô hình phù hợp và đảm bảo phải có thế mạnh và tiện ích khả thi đi kèm".

Bà Dương gợi ý, tại TP HCM có thể phát triển mô hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội họp), du lịch tham quan văn hóa, lịch sử, du lịch chăm sóc sức khỏe y tế.

Các tỉnh như Biên Hòa - Đồng Nai có thể phát triển du lịch khám phá trải nghiệm, loại hình team building trong ngày. Bà Rịa – Vũng Tàu có thể phát triển du lịch sức khỏe; Phan Thiết - Bình Thuận xây dựng mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe và thể dục thể thao.

Đặc biệt, các địa phương nên chú trọng hơn tới yếu tố liên kết vùng. Nhiều địa phương có nét tương đồng trong du lịch sinh thái, miệt vườn, chợ nổi, văn hóa lịch sử gắn với di tích, du lịch tâm linh.... sẽ khiến du khách dễ có tâm lý đi một nơi đã biết hết và sẽ không trải nghiệm tiếp các vùng lân cận.

Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN

Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN

"Mỗi địa phương muốn phát triển các sản phẩm du lịch cần phải xác định được mô hình du lịch cho riêng mình. Mỗi nơi tối đa 3 mô hình phù hợp và đảm bảo phải có thế mạnh và tiện ích khả thi đi kèm."

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nova Nguyễn Thị Thùy Dương

Do vậy, bà Dương cho rằng, mỗi tỉnh thành cần xác định một sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với thế mạnh của địa phương. Ví dụ như Tây Ninh có nhiều đền chùa, phù hợp để phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh, hay Khánh Hòa phù hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, Bình Thuận phát triển du lịch MICE, Bà Rịa Vũng Tàu phát triển du lịch sức khỏe, Đà Lạt, Lâm Đồng phát triển du lịch khám phá mạo hiểm...

Lào Cai, chính sách phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi

Từ thực tế của một trong những tỉnh đi đầu trong phát triển du lịch khu vực miền núi phía Bắc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai Lại Vũ Hiệp cho biết:

"Dưới tác động của Covid-19, xu hướng du lịch thế giới và khu vực có những thay đổi. Các xu hướng đi du lịch tại các nơi có môi trường tự nhiên của điểm đến trong lành, an toàn; xu hướng dịch chuyển từ du lịch quốc tế sang du lịch nội địa;

Các xu hướng như sử dụng sản phẩm du lịch trọn gói (combo) cho các nhóm nhỏ hoặc du lịch gia đình; xu hướng du lịch ngắn ngày tới những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, khu vực ít người… rất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Lào Cai và đã tạo cơ hội phát triển cho ngành du lịch của tỉnh," ông Hiệp nói.

Về mặt chính sách, trong Quyết định số 2626/QĐ-UBND về Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 4/11/2022, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu “Đến năm 2050, Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi".

Phó Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai Lại Vũ Hiệp. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN

Phó Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai Lại Vũ Hiệp. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN

Tuy nhiên, đại diện cho ngành du lịch Lào Cai cũng trăn trở dù du lịch của tỉnh đang nở rộ với sự phát triển của khu du lịch Quốc gia Sa Pa nhưng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển này.

"Chỉ trong hai ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Sa Pa đã đón hơn 20.000 lượt khách, đây là con số quá lớn, gây áp lực lên hạ tầng, môi trường tại đây. Hơn nữa, nhân lực có tay nghề phục vụ du khách của tỉnh còn quá ít vì vậy vẫn cần những chiến lược về lâu về dài trong phát triển khu du lịch này," ông Hiệp chia sẻ.

Đọc tiếp