Môi trường hòa nhập là yếu tố vực dậy nguồn lao động nữ hậu Covid-19

LAO ĐỘNG PHỤC HỒI
20:43 - 01/06/2022
Lao động nữ có nhiều gánh nặng dưới tác động tiêu cực của Covid-19. Ảnh: TTXVN
Lao động nữ có nhiều gánh nặng dưới tác động tiêu cực của Covid-19. Ảnh: TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
Lao động nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng Covid-19, do không chỉ bị giảm sút năng suất mà còn thêm gánh nặng chăm sóc gia đình nên cần có những ưu tiên phục hồi riêng sau đại dịch.

Năng suất lao động suy giảm

Những dòng dịch chuyển lao động tránh khỏi điểm nóng Covid-19 trong năm qua đã gây ra sự thiếu hụt, xáo trộn và mất cân bằng cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn lao động nữ.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu của Chương trình “Investing in Women” – Đầu tư vào phụ nữ tại hội thảo “Vực dậy nguồn lực lao động trong giai đoạn phục hồi hậu COVID 19 – Xây dựng nơi làm việc hòa nhập” do Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 1/6, bà Kathy Mulville, Giám đốc hợp phần Hợp tác doanh nghiệp của Investing in Women cho biết, trong các doanh nghiệp thì lao động nam thường ở vị trí quản lý nhiều hơn lao động nữ.

Trong bối cảnh đó, Covid-19 đã có tác động khá nghiêm trọng về cả vật chất và tinh thần của người lao động, dẫn đến tình trạng lao động rời bỏ công việc hiện tại để về quê đã gây ra sự thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Riêng đối với các lao động nữ lại càng thêm khó khăn do bị gia tăng thêm trách nhiệm về mặt chăm sóc gia đình.

Ảnh tác giả

“Đây cũng là một trong những lý do khiến năng suất lao động giảm đi và tác động này với lao động nữ lớn hơn so với lao động nam, khiến số lượng lao động nữ giảm đi và đây là điều rất đáng quan ngại”.

Bà Kathy Mulville, Giám đốc hợp phần Hợp tác doanh nghiệp của Investing in Women

Bên cạnh đó, khi người lao động nữ phải làm việc ở nhà thì tình trạng thiếu thiết bị lao động hay không đảm bảo đủ điều kiện cũng khiến năng suất lao động giảm đi. “Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tính đến việc trang bị đầy đủ thiết bị hỗ trợ và truyền thông liên lạc để lao động làm việc tại nhà tốt hơn”, bà Kathy Mulville khuyến nghị.

Ngoài ra, báo cáo Investing in Women cũng cho thấy thời kỳ hậu Covid-19, người lao động ngày càng kén chọn hơn trong việc đồng ý nhận việc tại một doanh nghiệp. Họ có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến yếu tố linh hoạt trong hình thức lao động.

Chia sẻ rõ hơn về mục đích của “Investing in Women”, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, đây là sáng kiến của Chính phủ Australia nhằm cải thiện sự tham gia kinh tế của phụ nữ, thúc đẩy trao quyền kinh tế của phụ nữ ở Đông Nam Á. Chương trình hướng đến kiến tạo một môi trường lao động cân bằng cơ hội giữa nam và nữ và thay đổi cách quản trị, điều hành doanh nghiệp cho thấy nhiều hơn vai trò của người lao động nữ.

Ảnh tác giả

“Chúng ta cần biết giá trị bình đẳng giới là gì và có sự đầu tư cần thiết trong môi trường làm việc. Các nguồn lực của ‘Investing in Women’ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về cả kỹ thuật, cách thức và kinh phí để vực dậy nguồn lao động bền bỉ hậu Covid-19”.

Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam

Với vai trò là một trong những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ nhất, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng CTCP May 10 chia sẻ, hiện nay công ty đang duy trì mô hình có cả trường mầm non, trạm y tế, trường cấp 1 - 2, khu tập thể và trường cao đẳng. Mô hình này đã trở thành “cứu tinh” cho May 10 vượt qua Covid-19 khi phải hoạt động thích ứng với quy định “3 tại chỗ”.

“Với hơn 7.000 lao động, trong đó tỷ lệ nữ lao động là 73%, cán bộ quản lý nữ là 49% nên Covid-19 diễn ra đã ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất lao động và tâm sinh lý người lao động, nhất là lao động nữ”, ông Việt cho biết thêm.

Ảnh tác giả

“Để vượt qua khó khăn của Covid-19, May 10 thường xuyên tổ chức hội nghị lao động trực tiếp từ cấp tổ trở lên. Trong năm 2021 đã nhận hơn 3.000 ý kiến, tất cả người lao động đều có số điện thoại của tôi để có thể kiến nghị trực tiếp và được giải quyết vướng mắc. Quan điểm của May 10 không chỉ để người lao động muốn làm việc ở May 10 mà còn để họ yêu công ty”.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10

“Dù đứng trước nhiều thách thức, khó khăn của 2 năm Covid-19 nhưng năm 2020, May 10 không mất 1 ngày công nào của người lao động. Năm 2021 tăng thu nhập cho người lao động 7,6% so với năm trước và năm 2022 sẽ còn tiếp tục tăng”, ông Thân Đức Việt chia sẻ về cách thức khôi phục lao động đặc biệt là lao động nữ của công ty.

Cần nhiều hơn nữa giải pháp cải thiện thị trường lao động

Cũng tại hội thảo, dẫn số liệu báo cáo của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO), bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sự phục hồi này sẽ khá chậm và tỷ lệ gia tăng lực lượng lao động toàn cầu năm 2022 vẫn thấp hơn 1,2 điểm % so với năm 2019.

Những nước có khu vực lao động phi chính thức cao sẽ ít có khả năng tạo việc làm thỏa đáng cho lao động. Thị trường lao động ở Việt Nam cũng được dự đoán có sự phục hồi chậm hơn so với những nước phát triển trên thế giới.

Từ góc nhìn quan hệ lao động, bà Lan Anh cho biết, biện pháp đưa ra trong bối cảnh này là tập trung các chính sách lấy con người làm trung tâm. Chính phủ và doanh nghiệp cần có sự phối hợp hơn nữa để tạo việc làm thỏa đáng và các quyền lợi tốt hơn cho người lao động trong đó đối thoại xã hội vẫn được coi là cách thức được ưu tiên hơn cả để hướng đến sự phục hồi.

Trong khi đó, Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội đã có tác động tích cực đến thị trường lao động, tỷ lệ thiếu việc làm đều giảm so với quý trước và cùng kỳ năm 2021.

Ảnh tác giả

“Covid-19 đã làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống người lao động và tình hình sản xuất của doanh nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy lao động trong các doanh nghiệp đã tương đối đầy đủ tuy nhiên cần tìm cách giữ chân người lao động và nâng cao chất lượng lao động cũng như bồi dưỡng kỹ năng nghề cho họ”.

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI

Theo bà Lan Anh, bài toán việc làm trong giai đoạn bình thường mới đang đặt ra những vấn đề, trong đó nêu lên yêu cầu cần những việc làm năng suất cao hơn để doanh nghiệp vực dậy tốt hơn.

Thúc đẩy đa dạng hình thức làm việc gắn với hạ tầng cơ sở kỹ thuật số là tiền đề tạo ra các hình thức làm việc mới và tinh thần kinh doanh mới. Các doanh nghiệp cũng cần xác định đào tạo là chìa khóa của khả năng duy trì việc làm. Đào tạo lại và đào tạo nâng cao nên có sự phối hợp của cả người sử dụng lao động và người lao động.

Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững để duy trì và tạo ra nhiều việc làm mới, ổn định cho người lao động đóng vai trò quan trọng trong quá trình vực dậy nguồn lao động. Ngoài ra, Tổng thư ký VCCI cũng cho rằng, sự tham gia của các tổ chức xã hội và các chính sách ổn thỏa của Chính phủ cũng là một trong các yếu tố góp phần ổn định thị trường lao động.

Cuộc khảo sát về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam 2022 do Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) và IW thực hiện các đợt vào tháng 5/2020, tháng 12/2020 và tháng 2/2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp