Năng lượng tái tạo chỉ thật sự 'sạch' nếu giải quyết được chất thải

Điện Chất thải
10:27 - 14/12/2021
Sẽ có khoảng 3.468 triệu tấn điện mặt trời và 5.057 nghìn tấn chất thải điện gió vào năm 2050
Sẽ có khoảng 3.468 triệu tấn điện mặt trời và 5.057 nghìn tấn chất thải điện gió vào năm 2050
0:00 / 0:00
0:00
Theo Quy hoạch điện VIII, điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân và điều này đồng nghĩa sẽ để lại khối lượng chất thải siêu khủng từ các thiết bị hết vòng đời. Giải pháp xử lý khối chất thải này đang đặt ra những thách thức lớn.

Những nguy hại tiềm ẩn của các thiết bị năng lượng mặt trời, năng lượng gió ở cuối vòng đời đã được nhóm nghiên cứu Viện Năng lượng phân tích tại hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu: Giải pháp cuối vòng đời của hệ thống điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam”, chiều 13/12.

Khối lượng chất thải siêu khủng

Dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) sẽ nâng công suất lắp đặt điện mặt trời tăng từ 16,6 GW lên tối đa 20,1 GW trong giai đoạn 2021 – 2030 và tăng lên 71,9 GW vào năm 2045 theo kịch bản cao.

Nghiên cứu cho thấy, với công suất tấm quang điện từ 330 - 440W và có tính đến những cải tiến công nghệ về công suất, ước tính khoảng 50,9 - 62,1 triệu tấm quang điện sẽ được lắp đặt vào năm 2030 và lên đến 150 – 220 triệu tấm vào năm 2045.

Theo đó tổng lượng chất thải tấm quang điện mặt trời tích lũy đến năm 2050 tại Việt Nam ước tính sẽ từ 3.110 đến 3.468 triệu tấn theo các kịch bản tổn thất khác nhau.

Quy hoạch điện VIII cũng chú trọng phát triển mạnh các dự án điện gió, từ 30 MW công suất năm 2012 lên 630 MW vào năm 2020. Đến năm 2045, tổng công suất lắp đặt điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi dự kiến sẽ tăng lên khoảng 55 - 76 GW theo các kịch bản an toàn và tham vọng nhất.

Với công suất quy hoạch trên, theo tính toán tới năm 2030 tại Việt Nam sẽ có khoảng 19,3 đến 66,9 nghìn tấn vật liệu tuabin gió thải bỏ cuối vòng đời dự án. Đến năm 2050 con số này sẽ nâng lên là khoảng 1,48 đến 5,05 triệu tấn.

Các số liệu dự kiến cho thấy công suất nguồn và tỷ lệ điện từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng lên nhanh chóng cũng đồng nghĩa với việc lượng chất thải khổng lồ từ các thiết bị cuối vòng đời của loại hình năng lượng này tại Việt Nam cũng sẽ ngày một tăng, đặc biệt trong giai đoạn 2030 – 2045.

Từ kịch bản được dự báo, nhóm nghiên cứu Viện Năng Lượng đã đưa ra các đề xuất cho giải pháp cuối vòng đời của hệ thống điện tái tạo ở Việt Nam. Theo đó cần phối hợp giữa các nhà sản xuất hoặc các nhà nhập khẩu, sớm xây dựng hướng dẫn quản lý và phân loại chất thải điện mặt trời, điện gió và các thành phần của chúng.

Tấm quang điện và tuabin gió cuối vòng đời chứa các vật liệu có giá trị (thủy tinh, thép, nhôm, đồng, silica, kim loại hiếm,... ) nếu được tái chế và tái sử dụng sẽ cho phép tiết kiệm đáng kể nguồn tài nguyên.

Các thiết bị thải bỏ được coi là chất thải nguy hại khi các thành phần chứa vật liệu nguy hại không được loại bỏ và xử lý đúng cách.

Tăng cường thu gom và xử lý chính thức chất thải cuối vòng đời cho điện mặt trời và điện gió. Việc thu gom, tháo dỡ và phân loại hợp lý, an toàn và thân thiện với môi trường đòi hỏi phải có hỗ trợ tài chính để đảm bảo khả năng tồn tại của hệ thống thu gom và mạng lưới các trung tâm xử lý.

Phân tách dòng vật chất đưa đến các cơ sở thu gom và xử lý chất thải hiện có tại Việt Nam và tăng cường khả năng tái chế và thu hồi thông qua các thông số kỹ thuật, đặc biệt là thép, đồng, nhôm và một số loại nhựa nhất định.

Nhấn mạnh nên giảm thiểu việc chôn lấp và đốt rác, nghiên cứu cũng chỉ ra kinh nghiệm từ Châu Âu cho thấy các lệnh cấm chôn lấp đã có hiệu quả chuyển hướng chất thải khỏi bãi chôn lấp và hướng tới thu hồi năng lượng. Trong điều kiện của Việt Nam, sự kết hợp giữa gia tăng phí và quy định cấm chôn lấp sẽ giúp đảm bảo việc xử lý chất thải tồn đọng đáng kể, giúp chuyển đổi từ việc chôn lấp sang các phương pháp xử lý thích hợp hơn.

Thiết lập cơ chế tài chính thông qua việc bổ sung thêm trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR). Cần phân tích chi tiết về chi phí để thiết lập kế hoạch hoạt động và tài chính cho việc thu gom, vận chuyển và tái chế chất thải đó, với việc xác định rõ ràng các nguồn tài chính phù hợp với nguyên tắc “bên gây ô nhiễm phải chi trả”.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu Viện Năng Lượng nhận định, việc xây dựng và thực thi pháp luật là vô cùng cần thiết để các giải pháp được thực hiện có hiệu quả. Hiện nay, theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường (2020), căn cứ theo Quy định EPR đã đề xuất trách nhiệm tài chính đối với các nhà chế tạo/nhập khẩu/sản xuất để đảm bảo chi trả cho toàn bộ chi phí thu hồi và tái chế từ việc thu gom, tập kết, vận chuyển và xử lý.

Cần có cách tiếp cận đúng

Thảo luận về vấn đề trên, ông Phạm Sinh Thành đến từ Bộ Công Thương đã nêu ra vấn đề cần có cách tiếp cận đúng đối với các chất thải của điện mặt trời và điện gió. “Các báo cáo trong nước và quốc tế hiện đang tiếp cận theo hướng ‘con bò giống con trâu’, chưa biết con trâu như thế nào nhưng hình dung nó giống con bò thì lấy kết quả từ xem xét con bò", ông ví von.

"Tương tự như vậy, chúng ta không biết chất thải tấm quang điện mặt trời, tubin quạt gió như như thế nào nhưng chúng ta cho rằng nó là chất thải điện tử, chất thải nguy hại và khó quản lý. Cách tiếp cận đó là nguy hiểm vì người dân sẽ bị tâm lý hoang mang, lo sợ, từ đó gây áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp, các chủ trang trại điện gió”, ông Thành nói thêm.

Theo ông Thành, vấn đề đặt ra là cần nhận dạng đúng chất thải điện mặt trời, điện gió và xác định nguồn thải để công tác quản lý được tiến hành hiệu quả.

Chất thải cần được gắn với nguồn thải và có trách nhiệm xử lý đến cùng
Chất thải cần được gắn với nguồn thải và có trách nhiệm xử lý đến cùng

Tán thành ý kiến của ông Thành, đại diện nhóm nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Thu Huyền cũng cho rằng, việc phân loại chất thải hiện nay chưa rõ ràng, cần có quy định phân loại để đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả.

Một số nước trên thế giới đã quy định về thành phần của các chất nằm trong dòng vật liệu cấu thành nên những quang điện mặt trời hoặc tuabin gió, từ đó phân loại thành phần chất thải và biện pháp cách xử lý theo quy định.

Theo bà Huyền, báo cáo không đưa ra kết luận phân loại chất thải điện mặt trời, điện gió là chất thải nguy hại mà đặt ra yêu cầu cần thực hiện những quy định phân loại sao cho phù hợp.

Hiện nay, các dự án điện mặt trời đều có cam kết 100% chủ nguồn thải sẽ trả lại thiết bị cho các nhà sản xuất sau khi hết vòng đời dự án hoặc do hư hỏng. “Tuy nhiên, không có ràng buộc rõ ràng nào cho hai bên, có thể sau vài chục năm hết vòng đời dự án thì nhà sản xuất không hoạt động nữa. Do vậy phải có những quy định về việc này tới các chủ nguồn thải”, bà Huyền nêu ý kiến.

Tin liên quan

Đọc tiếp