'Nếu không điều tiết, 5 -10 năm tới chăn nuôi sẽ là sân chơi của doanh nghiệp FDI'

Chăn nuôi NÔNG NGHIỆP
08:31 - 20/12/2023
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng tại hội nghị chiều ngày 19/12. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng tại hội nghị chiều ngày 19/12. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, hiện nay bắt đầu có xu hướng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội địa và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Ngành chăn nuôi năm 2023: Những con số tổng kết

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, tình hình chăn nuôi trâu bò năm 2023 khá ổn định về tổng đàn, không có biến động lớn. Chăn nuôi gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ và doanh nghiệp đều phát triển ổn định.

Chăn nuôi lợn có kết quả tích cực mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá lợn hơi thấp nhưng ngược lại các loại chi phí như giá thức ăn chăn nuôi, chi phí đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và phòng dịch vẫn ở mức cao.

Theo số liệu ước tính của Cục Chăn nuôi, tổng đàn lợn ước đạt 30,3 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 1%; đàn gia cầm 558,6 triệu con, tăng 2,6%.

Ước tính cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại sẽ đạt trên 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%, trong đó thịt lợn hơi 4,68 triệu tấn; thịt gia cầm 2,24 triệu tấn... Sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả, tăng 3,9% và sản lượng sữa tươi ước đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2022.

Sản lượng thức ăn công nghiệp ước đạt 20 triệu tấn, giảm 2,4% so với năm 2022. Trong năm 2023, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính đều giảm so với năm 2022, trong đó ngô hạt giảm 12,5%, khô dầu đậu tương giảm 3,1%, cám mì giảm 1,9%, cám gạo chiết giảm 1,7%...Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn từ 32,4% đến 45,6% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2020).

Mặc dù giá nguyên liệu chính giảm so với năm trước, nhưng giá thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh cho lợn và gia cầm trung bình cả năm 2023 vẫn cao hơn 0,7-3,5% so với năm 2022 và cao hơn 44,8% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2020).

Nguyên nhân chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh chỉ được điều chỉnh giảm kể từ tháng 6/2023 đến nay, qua khoảng 6 đợt điều chỉnh giảm nhưng mức giảm mỗi đợt không nhiều, theo số liệu từ Cục Chăn nuôi.

4 điểm sáng – 3 điểm tối của ngành chăn nuôi năm 2023

Tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Cục Chăn nuôi diễn ra chiều ngày 19/12, mô tả về hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành năm 2023, ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nói về 4 điểm sáng.

“Mặc dù bối cảnh khủng hoảng kinh tế diễn ra toàn cầu nhưng ngành chăn nuôi vẫn duy trì đà tăng trưởng khi nhiều ngành khác sụt giảm, đó là điểm tích cực thứ nhất. Thứ hai, xu thế chăn nuôi tại Việt Nam theo quy mô lớn và công nghệ cao càng ngày càng phát triển. Đây cũng là xu thế tất yếu,” ông Sơn nói.

Thứ ba, mặc dù số lượng chưa nhiều so với ngành hàng nông nghiệp khác nhưng tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi đã ghi nhận tăng cao, như sản phẩm gia cầm đã đạt hơn 10 triệu USD trị giá xuất khẩu.

Cuối cùng, ngành chăn nuôi năm 2023 cũng đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, điều này cũng góp phần vào việc tăng trưởng của các ngành hàng khác.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng chỉ ra 3 điểm tối mà ngành chăn nuôi còn đối mặt trong năm qua. Cụ thể, điểm tối thứ nhất là dù tăng trưởng đầu con và sản lượng tốt nhưng giá trị sản xuất, đặc biệt là giá trị gia tăng của một số ngành hàng chăn nuôi còn thấp, thậm chí tăng trưởng âm.

Thứ hai, một số sản phẩm chăn nuôi vẫn có xu hướng gia tăng nhập siêu, như thịt lợn tăng 85% lượng nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước, thịt trâu bò tăng 56%, thịt gia cầm trên 200.000 tấn (tương đương cùng kỳ).

“Với sản lượng nhập khẩu lớn như thế sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho sản xuất trong nước,” ông Sơn nhận định.

Bên cạnh đó, hiện nay bắt đầu có xu hướng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội địa và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Với cơ chế thị trường thì cạnh tranh là điều không tránh khỏi, nhưng chúng ta cần điều tiết như thế nào để các doanh nghiệp có thể đi cùng con đường, nếu không 5 - 10 năm tới sẽ là sân chơi của các doanh nghiệp FDI, ông Sơn nói.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Cục Chăn nuôi chiều ngày 19/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, năm 2023, ngành chăn nuôi phát triển tốt, đã hình thành được vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi công nghiệp.

Đến hiện tại, không chỉ doanh nghiệp lớn thực hiện chăn nuôi công nghiệp mà các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng thực hiện chăn nuôi công nghiệp, ông Tiến nói.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý cần quản lý tốt vùng chăn nuôi. Bởi nếu các địa phương hình thành các vùng chăn nuôi tập trung nhưng việc phân vùng, phân luồng không tốt thì khi một đơn vị dính dịch sẽ kéo các vùng khác dịch theo.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Mục tiêu ngành chăn nuôi đặt ra năm 2024

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2024 ngành đặt mục tiêu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 4 - 5% so với năm 2023, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28 - 30%.

Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 7,89 triệu tấn, tăng 3,8%; sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,87 triệu tấn, tăng 4%; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 2,31 triệu tấn, tăng 3,1%; sản lượng trứng các loại khoảng 19,68 tỷ quả, tăng 3,7%; sản lượng sữa đạt trên 1,28 triệu tấn, tăng 6,7%; sản lượng mật ong là 25.800 tấn, tăng 9,8%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 20,5 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2023.

Trong năm 2024, Cục chăn nuôi tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành, triển khai các giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc. Đồng thời, Cục tập trung góp phần kiềm chế lạm phát, nâng cao thu nhập của nông dân gắn với phát triển chăn nuôi với xây dựng nông thôn mới và chống biến đối khí hậu.

Tin liên quan

Đọc tiếp