Ngành chăn nuôi gia cầm thua lỗ, doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị

DOANH NGHIỆP CHÍNH SÁCH
16:15 - 27/04/2023
Doanh nghiệp chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh mới. Ảnh: TTXVN.
Doanh nghiệp chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh mới. Ảnh: TTXVN.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm kiến nghị được giảm các loại thuế phí hỗ trợ trong thời điểm khó khăn, kiểm soát sản phẩm nhập khẩu và ổn định quy hoạch, các luật liên quan để yên tâm đầu tư, sản xuất.

Báo cáo của Hiệp hội chăn nuôi gia cầm tại Hội nghị ngày 27/4 về đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới, cho biết, ngành chăn nuôi gia cầm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn hơn. Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi đang có nguy cơ phá sản, hàng ngàn cơ sở chăn nuôi phải giảm quy mô sản xuất, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động.

Cũng tại hội nghị, các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm đã nêu ý kiến nghị, chia sẻ về thực trạng khó khăn đang gặp phải.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc CTCP C.P Việt Nam, trong thời gian qua, tuy được Chính phủ, các Bộ/ngành hỗ trợ nhưng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của công ty vẫn còn nhiều vướng mắc.

"Lĩnh vực chăn nuôi gia cầm đang bị tổn thương, do đó chúng tôi mong muốn Chính phủ hỗ trợ, chia sẻ đối với các doanh nghiệp trong ngành vì đây còn là vấn đề liên quan đến sinh xã hội”.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc CTCP C.P Việt Nam

Đề cập đến vấn đề hàng rào kỹ thuật, ông Tuấn cho rằng, tiêu chuẩn nhập khẩu các sản phẩm gia cầm của Việt Nam còn đang thấp hơn so với nhiều nước. “Nếu muốn nâng cao hàng rào kỹ thuật thì cần tăng tiêu chuẩn nhập khẩu. Chỉ khi tăng tiêu chuẩn nhập khẩu mới hạn chế được sản phẩm nội địa phải cạnh tranh với hàng nhập”, ông Tuấn nói.

Phó Tổng giám đốc C.P đề xuất cân nhắc xây dựng đề án trồng lúa phục vụ thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành nguyên liệu đầu. Thái Lan, Trung Quốc đã có những đề án này. Trong khi, trồng lúa cũng là thế mạnh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng kiến nghị xây dựng chuỗi liên kết, chuỗi tiêu thụ để doanh nghiệp có thể hỗ trợ đầu ra cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà không bị đánh thuế 5%.

Với góc nhìn của doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm trong nước, ông Bùi Đức Huyên, Tổng giám đốc CTCP dinh dưỡng Việt Tín chia sẻ về tình trạng ngành chăn nuôi gia cầm thua lỗ thê thảm 3 năm gần đây. Từ trăn trở này, ông Huyên nêu kiến nghị, để kìm chế giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cần quy hoạch vùng nguyên liệu và áp dụng công nghệ biến đổi gen.

Cũng giống như đại diện C.P, ông Huyên cũng cho rằng, cần hạn chế nhập khẩu thịt phụ phẩm các loại và có chính sách hỗ trợ các chuỗi liên kết trong ngành.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc CTCP dinh dưỡng Việt Tín mong muốn Chính phủ có lãi suất ưu đãi để các trang trại, các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vay vốn, duy trì sản xuất qua thời điểm khó khăn này.

Các kiến nghị giảm thuế cũng là ý kiến được ông Phạm Văn Lượng, Giám đốc Công ty Giống gia cầm Lượng Huệ bày tỏ tại hội nghị.

Theo ông Lượng, các doanh nghiệp gia cầm rất cần được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, như kéo dài thời gian giảm thuế đất, giảm thuế chế biến thực phẩm, giảm phí kiểm dịch sản phẩm động vật.

“Về các luật liên quan đến vấn đề chăn nuôi, giết mổ, chúng tôi mong muốn luật khi ban hành có tuổi thọ ít nhất 20 năm để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất”, ông Lượng nói.

Một kiến nghị khác được ông Lượng đề cập liên quan đến quy hoạch vùng, đề xuất ban hành quy hoạch theo vùng, miền có tính toán cụ thể. “Ví dụ vùng miền này tiêu thụ hết bao nhiêu lượng thịt gia cầm/năm thì chỉ quy hoạch chăn nuôi trong ngần ấy. Vùng nào quy hoạch xuất khẩu thì tăng sản lượng lên để đảm bảo doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm hiệu quả, không còn tình trạng thua lỗ, lay lắt như hiện nay”, ông Phạm Văn Lượng nhấn mạnh.

“Doanh nghiệp FDI chăn nuôi chưa làm tốt vai trò dẫn dắt”

Trước bối cảnh các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành chăn nuôi cần nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng.

Thứ trưởng đề nghị Cục Chăn nuôi phối hợp với Văn phòng Chính phủ sớm ban hành QĐ 50, tạo có cơ sở hỗ trợ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là có các cơ chế hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí sản xuất để giảm áp lực cho các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Về nội lực, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thừa nhận giống Việt Nam năng suất còn thấp khi cạnh tranh với các nước tiên tiến trên thế giới.

“Ngành chăn nuôi Việt Nam đã ra biển lớn, cần thích ứng và hội nhập. Các doanh nghiệp phải xem đâu là lợi thế để phát triển, bán ra thị trường thế giới những thứ mà người ta cần không phải chỉ bán cái mà mình có. Hai từ: Tự chủ và hội nhập có sự liên quan và cũng độc lập với nhau”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Đặc biệt nhấn mạnh vấn đề liên kết trong chuỗi cung ứng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ ra, trước đây, các doanh nghiệp chỉ nhắm vào thị trường nội địa nhưng giờ cần hướng ra thị trường xuất khẩu.

"Doanh nghiệp phải liên kết, hợp tác với nhau. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI phải đi tiên phong trong việc dẫn dắt liên kết. Doanh nghiệp FDI đến Việt Nam không chỉ để khai thác thị trường tại Việt Nam mà cần tạo ra tính dẫn dắt doanh nghiệp nội địa”.

Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề cập đến 3 trụ cột quan trọng cần tập trung tháo gỡ, để ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm có đủ “đất” để phát triển, là: Giống, thức ăn và đất đai.

“Với các doanh nghiệp, trong lúc này không nên bi quan, cần tập trung nâng cao năng lực, công nghệ và xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp nếu có khúc mắc mà các đơn vị không giải quyết hãy cứ nhắn tin tôi, đêm hôm sớm tối, tôi sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp. Rất mong các doanh nghiệp từ FDI đến doanh nghiệp trong nước đồng hành cùng Bộ NN&PTNT, đoàn kết lại thúc đẩy ngành chăn nuôi vượt qua thách thức hiện tại”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp