Ngành lâm nghiệp thu gần 11.000 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng

lâm nghiệp Chiến lược
14:26 - 27/02/2024
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Sau 3 năm triển khai Chiến lược lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó khoản thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2021 – 2023 đạt 10.986 tỷ đồng.

Tại Hội thảo “Giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới” diễn ra ngày 27/2 tại Hà Nội do Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức, Cục Lâm nghiệp cho biết, sau 3 năm triển khai Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2023 đạt bình quân 4,6%/năm, đạt 92% kế hoạch đề ra.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn này đạt bình quân 15,8 tỷ USD/năm, đạt 88% kế hoạch. Về nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, năm 2021 đạt khoảng 2,93 tỷ USD; năm 2022 đạt 2,82 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm trước; năm 2023 ước đạt 2,191 tỷ USD giảm 27,6% so với năm trước.

Về trồng rừng, giai đoạn 2021 - 2023, diện tích trồng rừng tập trung bình quân đạt 260.400 ha/năm, bằng 113% kế hoạch đến năm 2025, bằng 76% kế hoạch đến năm 2030. Diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 136.000 ha/năm, trong đó khoanh nuôi chuyển tiếp chiếm 86%, đạt 136% kế hoạch.

Sản lượng khai thác gỗ giai đoạn 2021 - 2023 đạt bình quân khoảng 32 triệu m3 đạt 91% so với kế hoạch đến năm 2025. Sản lượng khai thác gỗ đã đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và thị trường lâm sản.

Về diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, lũy kế đến hết năm 2023, tổng số chủ rừng là tổ chức đã xây dựng, phê duyệt phương án QLRBV trong cả nước đạt 70% về số lượng chủ rừng và 80% về diện tích. Việt Nam hiện có 465.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đạt 93,0% mục tiêu về diện tích đến năm 2025 (500.000 ha).

Về chi trả dịch vụ môi trường rừng, giai đoạn 2021 - 2023, thu dịch vụ môi trường rừng bình quân của cả nước đạt 3.650 tỷ đồng/năm, với tổng 3 năm là 10.987 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân đạt 17%/năm, đạt 345% so với chỉ tiêu kế hoạch của Chiến lược.

Riêng năm 2023, cả nước thu được 4.130,4 tỷ đồng từ khoản dịch vụ môi trường rừng, trong đó thu từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng là 997,03 tỷ đồng; thu từ các dịch vụ môi trường rừng từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nước sạch, công nghiệp, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, khác là 3.133 tỷ đồng (trong đó thu từ cơ sở sản xuất thủy điện chiếm 93%).

Nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quản lý bảo vệ hơn 7,3 triệu ha rừng, chiếm 49,6% tổng diện tích rừng toàn quốc.

Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2021, năm 2022 đạt 42,02%; năm 2023 tiếp tục duy trì ổn định.

Tổng kinh phí huy động thực hiện Chiến lược giai đoạn 2021 – 2023 để thực hiện bảo vệ phát triển rừng khoảng 56.729 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước đạt 12.595 tỷ đồng; nguồn khác là 44.135 tỷ đồng (dịch vụ môi trường rừng đạt 10.987 tỷ đồng, tổ chức cá nhân đầu tư đạt 33.148 tỷ đồng).

Tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42,02%, đạt chỉ tiêu kế hoạch của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh minh họa: VGP
Tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42,02%, đạt chỉ tiêu kế hoạch của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh minh họa: VGP

Thách thức trong triển khai Chiến lược

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chiến lược vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Theo đó, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch 3 loại rừng còn chồng chéo, chưa thống nhất, thiếu tính đồng bộ. Hầu hết diện tích đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý, diện tích giao cho hộ gia đình, tổ chức và cá nhân còn ít.

Việc quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp có phần tách biệt và khép kín đã tạo ra rào cản cho việc tổ chức các hoạt động sản xuất lâm nghiệp khác như trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản, gây cản trở cho việc thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào việc bảo vệ và phát triển rừng.

Tình trạng vi phạm các quy định, pháp luật về lâm nghiệp vẫn còn diễn ra tại một số vùng, điểm nóng, bao gồm phát nương làm rẫy, khai thác rừng trái phép, săn bắn động vật hoang dã, cháy rừng làm suy giảm diện tích và chất lượng rừng…

Theo Cục Lâm nghiệp, công tác giao rừng, thuê rừng chưa đồng bộ với giao đất, thuê đất lâm nghiệp; phần lớn các hộ gia đình, cá nhân ở một số tỉnh chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để phát triển sản xuất lâm nghiệp lâu dài ổn định. Công tác giao đất, giao rừng triển khai chậm, do thiếu nguồn kinh phí để thực hiện, dẫn đến còn nhiều diện tích rừng tự nhiên chưa có chủ nên UBND cấp xã đang phải quản lý và tổ chức khoán cho cộng đồng địa phương bảo vệ.

Tổ chức sản xuất chủ yếu theo hình thức tự phát theo mô hình hộ gia đình, chưa hình thành được các liên kết chuỗi gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp chế biến, hợp tác xã lâm nghiệp và chủ rừng, chưa thu hút được doanh nghiệp chế biến quy mô lớn, công nghệ hiện đại vào đầu tư; vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn tập trung còn ít.

Về nguồn lực cho lâm nghiệp, việc huy động các nguồn lực tư nhân, nguồn lực trong xã hội còn hạn chế, do các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp dẫn đến hạn chế trong việc huy động các nguồn lực tài chính để xây dựng, thực hiện dự án đầu tư.

Mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ FSC khá thấp so với chi phí thực tế, trong khi đó điều kiện được nhận hỗ trợ ràng buộc với nhiều cam kết, hình thức hỗ trợ chưa phù hợp với chủ rừng nên rất khó triển khai, chưa hấp dẫn được người trồng rừng.

Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản còn chưa phát triển, các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu vẫn là sơ chế, quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, công nghệ chế biến lạc hậu, thị trường xuất khẩu nguyên liệu hạn hẹp, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu vực có nhiều cơ sở chế biến nhỏ lẻ, kinh tế hợp tác trong trồng và chế biến lâm sản và sản xuất theo chuỗi giá trị gần như chưa phát triển.

Quy mô sản xuất của các chủ rừng nhỏ, manh mún, chưa đáp ứng các yêu cầu tiêu chí về nguồn gốc, xuất xứ, mặt khác chu kỳ sản xuất lâm nghiệp kéo dài nên việc xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ còn khó khăn.

Sản lượng gỗ khai thác rừng trồng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng; khai thác, sử dụng các loại lâm sản ngoài gỗ còn hạn chế...

Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/04/2021.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng ngành lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội…

Đọc tiếp