Nhóm 'Big 4' ngân hàng đưa lãi suất huy động về cùng một mức

NGÂN HÀNG Việt nAM
16:21 - 21/06/2023
0:00 / 0:00
0:00
Sau Agribank, 3 ngân hàng còn lại trong nhóm Big 4 gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV cũng đã điều chỉnh hạ lãi suất huy động tại các kỳ hạn.

Mặc dù lãi suất đã phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên các ngân hàng trong nhóm Big 4 bao gồm Vietinbank, Vietcombank, BIDV và Agribank vẫn đồng loạt thay đổi biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm, mức lãi suất hiện tại của cả 4 nhà băng này đều được đưa về bằng nhau.

Trong đó, Agribank là ngân hàng thay đổi sớm nhất trong nhóm khi ngay trong ngày 19/6, lãi suất tại Agribank đã hạ lần lượt là 3,4%/năm cho kỳ hạn 1 - 2 tháng và 4,1%/năm cho kỳ hạn 3 - 5 tháng.

Đáng chú ý, tại ngày 21/6, ngân hàng này đã giảm tiếp lãi suất các kỳ hạn dài. Kỳ hạn 6 - 9 tháng giảm từ 6% về mức 5&/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên giảm từ 6,8%/năm về mức 6,3%/năm.

Theo biểu lãi suất mới nhất được BIDV niêm yết, ngân hàng này đã giảm 0,5 - 0,7 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn 1 – 2 tháng xuống còn 3,4%/năm và 3 – 5 tháng xuống mức 4,1%/năm, đối với hình thức gửi tiền tại quầy.

BIDV cũng giảm 0,5 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện lãi suất huy động cao nhất mà ngân hàng này niêm yết là 6,3%/năm dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tương tự, Vietcombank đều đã giảm thêm 0,5-0,7 điểm % lãi suất các kỳ hạn này so với trước đó, đưa lãi tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng xuống còn 3,4%/năm và kỳ hạn 3-5 tháng chỉ còn 4,1%/năm, áp dụng trên kênh quầy. Nếu gửi online, khách hàng sẽ nhận mức lãi suất cao hơn, dao động trong khoảng 4,3-4,5%/năm.

Ngân hàng cuối cùng trong nhóm Big 4 cũng vừa thay đổi mặt bằng lãi suất tiền gửi là Vietinbank. Trước đó, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng tại ngân hàng này là 4,1%/năm; 3-5 tháng 4,6%/năm; và 12 tháng 6,8%/năm.

Lãi vay bình quân đã giảm 1% so với cuối năm 2022

Song song với việc hạ lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng tiếp đà giảm. Chia sẻ tại buổi họp báo ngày 21/6 thông tin kết quả điều hành ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 1%/năm so với cuối năm 2022.

Cụ thể: Giảm 1,5%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, giảm 2%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Giảm 0,5-1,25%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng.

Giảm 1,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng thông tin, mặc dù lãi suất giảm nhanh nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng chậm. Tính đến ngày 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.

Phó Thống đốc cho biết, tín dụng tăng chậm là do cầu trong nước suy yếu, bản thân ngành ngân hàng rất sốt ruột vì tín dụng tăng chậm. Tuy vậy, các ngân hàng cũng không thể vì thế mà hạ chuẩn cho vay, vì sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống.

“Ở góc độ NHNN cũng rất muốn tăng tín dụng, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn cấp tín dụng, mà tăng phải đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Chúng tôi xác định, việc tăng tín dụng là nhiệm vụ quan trọng phải triển khai quyết liệt trong thời gian tới. Mức 3,36% thấp, nhưng cũng do tính khách quan của nền kinh tế nhu cầu vốn thấp”, Phó Thống đốc chia sẻ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, MBS Research lựa chọn cổ phiếu HDB khi đây là một trong những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành.