Ninh Bình sớm hoàn thành quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050

QUY HOẠCH Ninh Bình
22:17 - 07/07/2022
Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
0:00 / 0:00
0:00
Quy hoạch nhằm phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, có cơ cấu kinh tế tiên tiến, là một cực tăng trưởng của hành lang kinh tế ven biển Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình.

Ngày 7/7, Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW. Ninh Bình là một trong hai tỉnh, thành đầu tiên tổ chức Hội nghị tổng kết này.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, sau 17 năm triển khai Nghị quyết 54, kinh tế xã hội của tỉnh qua các giai đoạn có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá SS 1994) bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 15,6%/năm; giai đoạn 2011-2021 (theo giá SS 2010) đạt 7,7%/năm; giai đoạn 2005-2020 (theo giá SS 2010) tăng bình quân 11,04%/năm.

Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, giá trị GRDP (theo giá hiện hành) của tỉnh năm 2021 đạt trên 72.000 tỷ đồng, gấp 14,5 lần so với năm 2005 (năm 2005 đạt 4.970 tỷ đồng). GRDP bình quân đầu người tăng từ 5,57 triệu đồng năm 2005 lên 71,5 triệu đồng năm 2021, tăng gấp 12,8 lần so với năm 2005.

Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.

Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.

Chủ trì Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo nhận định, trong 17 năm qua Ninh Bình đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận số 13- KL/TW, gắn thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW với các đường lối chủ trương tại các Nghị quyết khác của Đảng.

Những thành tựu, kết quả đạt được cho thấy Nghị quyết 54-NQ/TW đã đi vào cuộc sống. Kinh tế - xã hội tỉnh đã thay đổi rõ nét, nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội gấp hàng chục lần so với 2005. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhất trí với một số tồn tại hạn chế mà Báo cáo tổng tổng kết của Ninh Bình cũng như các bộ, ngành chỉ ra như quy mô kinh tế nhỏ so với các tỉnh trong khu vực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng; chưa phát triển được kinh tế ven biển; kết quả xây dựng nông thôn mới chưa thực sự bền vững...

Cần sớm hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch tỉnh

Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất mà tổng kết Nghị quyết 54 được Ban Chỉ đạo đặt ra là đề xuất được với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết nhằm phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng thời gian tới phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, nhất là thực tiễn phát triển của vùng.

Do vậy, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu Ninh Bình thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như đẩy mạnh liên kết phát triển vùng; coi trọng tâm phát triển kinh tế biển; phát triển về đô thị và đô thị hóa; khắc phục các hạn chế, yếu kém và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh cơ sở hạ tầng số, công nghệ số; tập trung phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ.

Đặc biệt, Trưởng Ban chỉ đạo Ninh Bình sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch phải đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, quy hoạch sử dụng đất.

Nội dung quy hoạch cần có sự thống nhất và phân chia một cách hợp lý để phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, có cơ cấu kinh tế tiên tiến, đầu mối giao lưu của khu vực phía nam vùng đồng bằng sông Hồng với các vùng Tây Bắc và vùng Bắc Trung Bộ; là một cực tăng trưởng của hành lang kinh tế ven biển Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 22 (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Ninh Bình trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Hồng, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững; du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước và cả khu vực.

Ninh Bình đang xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định tầm nhìn 2050 hướng tới 3 đích lớn:

Là một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia.

Là một trong những tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của vùng đồng bằng sông Hồng, giữ vai trò là một “cực tăng trưởng” của tứ giác: Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng – Quảng Ninh và Ninh Bình gắn với Thanh Hóa.

Là nơi đáng sống, an toàn và thân thiện.

Tin liên quan

Đọc tiếp