"Phá băng" để phục hồi du lịch

DU LỊCH Việt nAM
08:55 - 15/10/2021
Tràng An, Ninh Bình
Tràng An, Ninh Bình
0:00 / 0:00
0:00
Làm thế nào để kết nối chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp để "phá băng", phục hồi và phát triển du lịch bền vững?

Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã hoành hành ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, khiến ngành du lịch Việt Nam thực sự chạm đáy và không thoát khỏi tình trạng khủng hoảng chung của du lịch toàn cầu.

Tính chung 9 tháng năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi lượng khách này đến Việt Nam 9 tháng năm 2019 là 2.870.506 lượt khách, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Dẫn con số trên để thấy rằng sự sụt giảm và thiệt hại đối với ngành du lịch là vô cùng lớn, bẽ gãy mục tiêu hướng tới ngành kinh tế mũi nhọn với đóng góp 10% GDP của đất nước.

Thời điểm hiện tại, nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng đang sẵn sàng chuẩn bị bước vào cho giai đoạn bình thường mới, khôi phục mọi hoạt động trong trạng thái "sống chung với COVID" khi tỷ lệ tiêm vaccine đang dần tiến tới mục tiêu phủ kín trên toàn quốc.

Mekong Asean ghi nhận những ý kiến bàn về giải pháp phục hồi và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới của đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp tại toạ đàm trực tuyến do Báo Người lao động vừa tổ chức mới đây.

Vietravel bị kéo quay lại kết quả của 10 năm trước

Vietravel hiện đang hoạt động trên cả 2 lĩnh vực là hàng không và du lịch. Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư khiến hãng hàng không Vietravel Airlines (vừa mới thành lập không lâu) bị thiệt hại rất nặng nề.

Năm 2019, Vietravel của chúng tôi phục vụ gần 1 triệu lượt khách, doanh thu vào khoảng 7.000 tỷ đồng. Sang năm 2020, doanh thu chỉ đạt 1.600 tỷ đồng và lượng du khách chỉ đạt 350.000 khách.

Trong năm 2021, chúng tôi dự kiến doanh thu đạt khoảng 10% so với năm 2019, kéo Vietravel quay lại kết quả của 10 năm trước.

Mặc dù chịu sức ép từ thị trường “đóng băng” hoàn toàn nhưng Công ty vẫn chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi. Việc khôi phục cũng sẽ tập trung vào yếu tố an toàn như điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn, chỉ cam kết đến những địa phương công bố an toàn.

Ông Trần Đoàn Thế Duy,

Tổng giám đốc Công ty Vietravel

“Phá băng” bằng việc áp dụng chính sách giá linh hoạt

Vào đầu quý II/2020, khi tình hình dịch bệnh bắt đầu nguy cơ lan rộng, chúng tôi đã xây dựng các tình huống giả định 5 kịch bản, với các tình huống từ xấu nhất có thể xảy ra đến tình huống tốt nhất khi thị trường quay lại bình thường như thời kỳ năm 2019.

Công ty đã chuẩn bị sẵn các phương án kinh doanh cụ thể tại từng đơn vị, từng địa phương nơi có cơ sở của tập đoàn, với mục tiêu sản phẩm, dịch vụ phát triển phải đảm bảo các yếu tố an toàn, chất lượng. Cùng với đó là tung ra các chương trình khuyến mãi áp dụng chính sách giá linh hoạt, các hình thức khuyến mãi, hậu mãi, các giá trị cộng thêm nhằm tăng ấn tượng đối với khách hàng, áp dụng phù hợp tình hình thực tế dịch bệnh tại từng địa phương.

Chúng tôi cũng đã liên tục kiến nghị cụ thể với lãnh đạo Trung ương, TP.HCM để hỗ trợ cơ chế chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch, cùng việc kết nối làm việc cụ thể với lãnh đạo các tỉnh, thành, các đối tác lớn để chuẩn bị các kế hoạch hợp tác khi các địa phương chính thức mở cửa du lịch.

Ông Võ Anh Tài

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn

(Saigontourist Group)

Ổn định nhân lực để không bị đứt gãy

Bộ đã có định hướng đốc thúc triển khai linh hoạt, thích ứng, tập trung nguồn lực huy động xây dựng kịch bản khởi động lại hoạt động du lịch.

Định hướng ưu tiên du lịch nội địa, coi là cơ sở phát triển lại du lịch; Đồng hành,hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có chính sách cụ thể mà Chính phủ đã ban hành như giảm tiền ký quỹ, gói tín dụng trong tổng thể chung để doanh nghiệp du lịch tiếp cận chung với nguồn lực này.

Cùng doanh nghiệp xem xét ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy, tổ chức tập huấn, đào tạo; Số hóa, ứng dụng công nghệ, cung cấp dịch vụ cho du khách lựa chọn thay vì phải tìm đến doanh nghiệp lữ hành thì họ tự tìm đến trên không gian số.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Không để xảy ra tình trạng nay mở, mai đóng

Thời gian gần đây, khi làm việc với hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, các địa phương để trao đổi kinh nghiệm hợp tác, phát triển du lịch, tôi được hỏi câu “các doanh nghiệp lo nhất gì?”.

Tháng 10, chúng tôi triển khai du lịch nội tỉnh, tháng 11 đón khách ngoại tỉnh. Nếu ổn sẽ khai thác khách du lịch đến vịnh Hạ Long, Yên Tử với tính chất riêng tư, độc lập.

Chúng tôi đề xuất để làm tốt quản trị, không để xảy ra tình trạng nay mở, mai đóng. Các bộ ngành nên quan tâm, đồng hành với địa phương, ứng dụng công nghệ trong kiểm soát, chia sẻ chi phí... Địa phương hiện chưa có phần mềm kiểm soát đối tượng nào an toàn. Đây là yếu tố rất quan trọng để chúng ta kiểm soát được.

Ông Phạm Ngọc Thủy

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh

Sớm áp dụng “hộ chiếu vaccine” ở các thị trường du lịch trọng điểm

Đà Nẵng xây dựng 2 phương án: Đón khách du lịch nội địa và khách quốc tế. Đối với đón khách quốc tế, còn tuỳ thuộc vào yếu tố quan hệ song phương với các thị trường khách đến. Hiện chúng tôi đã nhận được đề nghị từ khách Nga và Hàn Quốc, cũng như mong muốn đón khách nhập cảnh là khách thương mại, các nhà đầu tư và lãnh đạo của các công ty du lịch có thể tới Đà Nẵng để chuẩn bị đón khách du lịch tới các thị trường trọng điểm quốc tế…

Chúng tôi kiến nghị, sớm có hướng dẫn thống nhất đón và phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, để các địa phương triển khai đồng bộ. Kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch thống nhất với các thị trường chung về hộ chiếu vaccine ở các thị trường trọng điểm, để tổ chức các chuyến du lịch tới Đà Nẵng và cả nước.

Ông Nguyễn Xuân Bình

Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng

Sun Group "phủ áo mới" cho các khu nghỉ dưỡng

Sự chuẩn bị của Sun Group đối với phục hồi du lịch sau dịch COVID-19 đến thời điểm này, ngay trong gian đoạn giãn cách thì chúng tôi đã tranh thủ lập chiến dịch “phủ áo mới” cho các cơ sở nghỉ dưỡng để cung cấp dịch vụ tốt nhất khi khách hàng nội địa và quốc tế quay trở lại.

Sun Group đã chuẩn bị sẵn sàng với những đối tác hàng đầu thế giới, khi các đối tác này có tiêu chuẩn rất cao về hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh do đó doanh nghiệp chúng tôi có điều kiện để triển khai, với quy trình phối hợp chính quyền địa phương để sắp tới khi đón khách bay charter thì sẵn sàng.

Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh

Tổng Giám đốc khối SHG (Sun Hospitality Group)

Vingroup ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nâng cao trải nghiệm cho khách

Vingroup sẽ liên tục nâng cao trải nghiệm của du khách, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, cho ra mắt ứng dụng quản gia thông minh, hỏi đáp thông tin nhà hàng, cập nhật thông báo giúp khách tiện lợi, hạn chế tiếp xúc. Chúng tôi đang chuẩn bị nhiều sản phẩm mới để đón khách du lịch, như tàu ngầm vô cực trong suốt 360 độ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp biển.

Thời gian tới, chúng tôi có khuyến mại lớn về giá phòng, giá dịch vụ rất hấp dẫn. Khách có thể theo dõi trên website để nắm được thông tin chi tiết.

Ông Lê Khắc Hiệp

Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup

Thí điểm tour trọn gói 1 cung đường - 2 điểm đến

Quảng Bình thí điểm du lịch trọn gói khi vừa phê duyệt cho Công ty Oxallis trong 2 tháng tổ chức tour trọn gói 1 cung đường - 2 điểm đến từ các địa phương khác tới Quảng Bình.

Hết đợt mưa bão này, công ty sẽ có tour ngay và hiện đã bắt đầu bán tour đón khách. Từ những đốm lửa này, hy vọng sẽ có tín hiệu khả quan trong thời gian tới.

Ông Hồ An Phong

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình

“Phá băng” phụ thuộc rất lớn vào việc tiêm vaccine

Tỉnh Quảng Nam rất quan tâm phục hồi du lịch nhưng cũng phù hợp với thực tiễn của địa phương trong phòng chống dịch. Chúng tôi quan tâm tỉ lệ tiêm vaccine, hiện việc tiêm vaccine mới đạt 33%. Do đó, việc phục hồi kinh tế, trong đó có du lịch phụ thuộc rất lớn vào việc tiêm ngừa.

Quảng Nam sẽ xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, ghi nhận ý kiến của du khách. Từ nay đến cuối năm, sẽ mở cửa từng bước thận trọng, gắn với phủ vaccine, thận trọng theo hướng dẫn thích nghi an toàn, linh hoạt theo tình hình mới và mở cửa trong ngành giao thông vận tải được thông suốt hơn.

Ông Lê Trí Thanh

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Có ngày không có chuyến bay nào trên bầu trời

Nhưng tôi muốn nhấn mạnh trong 60 năm ngành hàng không dân dụng Việt Nam, giai đoạn qua là những ngày “lịch sử”. Có những ngày không có một chuyến bay nào trên bầu trời, nhiều ngày chỉ chở nửa chuyến bay Hà Nội -TP.HCM. Chúng tôi phải tháo ghế của gần 20/100 máy bay để chở hàng.

Mới đây, chúng tôi làm việc với Vingroup, Sungroup, Saigontourist để thí điểm tour Côn Đảo - Hồ Tràm. Với lịch bay, theo sự cho phép của Chính phủ, từ ngày 10/10, hàng không khôi phục 10 ngày thí điểm với 16 đường bay. Kết quả, duy nhất đường bay Hà Nội - TP.HCM còn có nhiều khách, còn lại cơ bản khách hàng băn khoăn, thăm dò lo lắng.

Chúng tôi cũng đề xuất khi xây dựng tour, tuyến cần có tiêu chí chung. Đề nghị địa phương quan tâm bao phủ vaccine. Theo khảo sát vừa rồi, đa số hành khách vẫn đi du lịch biển, sau đó là núi cao, nhưng có điểm mới là khách sẵn sàng đi những điểm mới khai phá, ít người biết. Do đó, bao phủ vaccine tại điểm đến là điều quan trọng.

Ông Đặng Anh Tuấn

Trưởng ban Truyền thông của Vietnam Airlines

Ngành du lịch nỗ lực “phá băng”

Năm 2020 có gần 400/2500 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa. Hiện doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép chiếm 35% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Từ năm 2021, số hoạt động chỉ chiếm 25% so với 2020, lao động tạm nghỉ việc, lao động cầm chừng, chỉ chiếm 10% làm khách sạn. Lượng khách sạn rao bán ngày càng tăng.

So với các ngành khác, du lịch là ngành dịch vụ dễ bị tổn thương, liên quan đến sự di chuyển của con người, mật độ, khả năng tương tác cao nên dễ thành tâm điểm chịu tác động ngay lập tức; và khi phục vụ thì phải đợi các ngành khác phục hồi, rất khó, càng khó./.

Ông Hà Văn Siêu

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Tin liên quan

Đọc tiếp