Bề bộn nỗi lo, các khách sạn Đà Nẵng ngóng ngày được trở lại

DU LỊCH Việt nAM
06:00 - 13/10/2021
Bề bộn nỗi lo, các khách sạn Đà Nẵng ngóng ngày được trở lại
0:00 / 0:00
0:00
Ghi nhận của PV MEKONG ASEAN tại đường Võ Văn Kiệt, Hồ Nghinh, Phạm Văn Đồng, Bạch Đằng, các khách sạn vẫn đang trong trạng thái tiếp tục “ngủ đông.

Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, hầu hết các địa phương trên toàn quốc phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đến thời điểm này, các tỉnh thành cơ bản đã dần kiểm soát được dịch và đang chuyển sang trạng thái mới.

Theo đó, các địa phương và bộ, ngành Trung ương đã lên nhiều kế hoạch cho các hoạt động giao thương trong trạng thái bình thường mới, đặc biệt là khôi phục lại các loại hình giao thông vận chuyển người.

Cụ thể, tối 08/10, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Quy định tạm thời triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Bộ này cũng ban hành Quyết định 1782/QĐ-BGTVT quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Theo đó, Bộ GTVT thí điểm tổ chức chạy lại tàu khách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Hải Phòng từ ngày 13/10.

Động thái thí điểm tổ chức chạy tàu khách của Bộ GTVT nhằm từng bước khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách nội địa bằng đường sắt phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch COVID-19; đáp ứng nhu cầu cấp thiết đi lại của nhân dân, hành khách, bảo đảm an toàn, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Tại Đà Nẵng, ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh, thành phố này đã cho phép các khách sạn, cơ sở lưu trú được mở cửa đón khách nhưng không quá 30% tổng số phòng hiện có. Trường hợp 100% khách hàng được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng thì cho phép lưu trú không quá 50%.

Tuy nhiên, dù các thành phố đã cho phép mở cửa trở lại, nhiều khách sạn tại đại phương này vẫn chưa sẵn sàng mở cửa trở lại. Nguyên nhân là người dân ở các tỉnh vẫn chưa thể di chuyển bình thường. Muốn đi sang các tỉnh khác, người dân phải thực hiện nhiều thủ tục và biện pháp phòng chống dịch bệnh do từng địa phương đề ra.

Không có khách, khách sạn còn phải chịu các khoản chi phí vận hành. Vì vậy các khách sạn rơi vào trạng thái “ngủ đông”, chờ đến khi du lịch được phép hoạt động trở lại.

Ghi nhận của PV MEKONG ASEAN tại đường Võ Văn Kiệt, Hồ Nghinh, Phạm Văn Đồng, Bạch Đằng…, các khách sạn vẫn đang trong trạng thái “ngủ đông”. Nhiều khách sạn còn không tháo thiết bị chống bão trước đó. Bên cạnh đó, không ít chủ đã chuyển nhượng khách sạn để trả nợ ngân hàng.

Ngoài ra, vẫn có nhiều chủ khách sạn tận dụng thời điểm dịch bệnh này, để tân trang lại nội thất, chuẩn bị cho việc mở cửa thị trường du lịch trong trạng thái mới.

Ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc khu vực, kiêm Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng cho biết: "Việc mở tour du lịch trong địa bàn thành phố cho khách địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn, sở dĩ người dân địa phương không có nhu cầu ở khách sạn. Nếu Chính phủ cho phép được đón khách nội địa là người tiêm 2 mũi vaccine, những F0 đã khỏi bệnh…thì sẽ có cơ hội đón khách cao hơn. Tuy nhiên phải kiểm soát chặt chẽ phòng dịch”.

Theo ông Duẩn, các ông chủ khách sạn đã chuẩn bị xong bước chuẩn bị, sẵn sàng đón du khách quay trở lại. Tuy nhiên, điều quan trọng là sự đồng bộ trong cả nước, nếu du khách đến Đà Nẵng hoặc trở về từ Đà Nẵng mà các địa phương thực hiện việc cách ly y tế thì sẽ rất khó, tương tự như vậy ở các địa phương khác.

Ngoài ra, thực tế từ tháng 03/2020 đến nay, nhiều khách sạn ở Đà Nẵng hầu như "cửa đóng then cài" vì không có khách. Vì vậy, TP.Đà Nẵng cần tính đến việc đón công dân ở nước ngoài về thực hiện cách ly y tế tại khách sạn theo hướng dịch vụ, mang lại thu nhập cho người lao động".

Khách sạn ở tuyến đường Bạch Đằng đang trong trạng thái “ngủ đông”. Ảnh: Phước Nguyên.

Khách sạn ở tuyến đường Bạch Đằng đang trong trạng thái “ngủ đông”. Ảnh: Phước Nguyên.

Ông Nguyễn Tuấn Mạnh, chủ khách sạn 3 sao, đường Võ Nguyên Giáp bày tỏ: "Do dịch COVID-19, hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ tại Đà Nẵng đóng cửa cho đến nay. Và các chủ khách sạn bị thiệt hại nặng nề dẫn đến kiệt quệ. Phần lớn chủ khách sạn vay tiền của ngân hàng để duy tu, bảo dưỡng hàng ngày và trả lương nhân viên".

“Không hoạt động được, còn phải chi phí bảo dưỡng, các doanh nghiệp lưu trú mỗi tháng phải đối mặt với khoản tổng lỗ chung đến hàng trăm tỷ đồng”, ông Mạnh chia sẻ.

Ông Nguyễn Tuấn Mạnh cũng nhấn mạnh: "Hiện nay, khách sạn của tôi chưa thể mở cửa trở lại do không có khách lưu trú. Và người dân chưa thể di chuyển bình thường, do các quy định nghiêm về công tác phòng chống dịch của các địa phương".

Nói về việc chủ khách sạn vay ngân hàng để có chi phí hoạt động, ông Phạm Hoài Đông Khanh, Trưởng văn phòng Công chứng Đặng Duy Hùng xác nhận, thông qua giao dịch công chứng, hiện nay Đà Nẵng xuất hiện tình trạng chủ khách sạn đầu tư mua bất động sản nghĩ dưỡng, bên cạnh đó là đất nền và nhà ở. Nguyên nhân là các khách sạn không thể hoạt động được trong mùa dịch, không còn khả năng trả nợ ngân hàng nên nhiều chủ khách sạn phải tìm nơi để tá túc./.

Tin liên quan

Đọc tiếp