Phát triển Thừa Thiên Huế thành đô thị di sản đặc trưng

QUY HOẠCH Thừa thiên huế
16:32 - 06/04/2024
Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh. VGP.
Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh. VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu quy hoạch đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam.

Sáng 6/4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối từ Bắc vào Nam. "Việc phát triển Huế toàn diện là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, Huế có thể trở thành một hình mẫu về phát triển công nghiệp văn hóa bởi đây là vùng đất địa linh, nhân kiệt, văn hiến, cố đô lịch sử, thành phố di sản của thế giới, với 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận gồm: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, đặc biệt là hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong phát triển kinh tế, Thừa Thiên Huế đã có nhiều bước tiến vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của tỉnh đạt 7,03%, xếp thứ 28/63 trong cả nước và 9/14 trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; cao hơn bình quân cả nước (5,05%).

Tỉnh có nhiều tiến bộ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Chỉ số PCI xếp thứ 6, tăng 2 bậc; Chỉ số PAPI tăng 4 bậc, đứng đầu cả nước; Chỉ số ICT xếp thứ 4; Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) xếp thứ 14…

Gợi mở những tiềm năng phát triển kinh tế biển, Thủ tướng yêu cầu Thừa Thiên Huế ưu tiên cho hệ thống đầm phá với hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á.

Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, Huế cũng đứng top đầu cả nước với hệ thống giáo dục, y tế phát triển với Đại học Huế, Trường Đại học Phú Xuân, Trường Quốc học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế…

Bên cạnh những tiềm năng to lớn, Thủ tướng cũng chỉ ra Huế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nơi đây có ít diện tích đất canh tác lại gặp nhiều thiên tai, mưa bão, lũ lụt, ngập úng, trượt lở đất, xói mòn. Quy mô của nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ; GRDP bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, thu hút đầu tư còn thấp, chưa có được những dự án sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn,...

Do vậy, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải luôn giữ trạng thái phát triển cân bằng tích cực, "thắng không kiêu, bại không nản".

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Nhấn mạnh quy hoạch sẽ mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh, khắc phục những khó khăn, kiến tạo những thành công mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thừa Thiên Huế khi triển khai quy hoạch cần tập trung "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh".

"Một trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá ở các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, ứng phó biến đổi khí hậu.

"Hai tăng cường", gồm tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người; tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối văn hóa và du lịch, kết nối giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hóa thị trường.

"Ba đẩy mạnh", gồm đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng cho khu vực, thế giới nhất là những ngành có thế mạnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa.

Thủ tướng lưu ý, trong lĩnh vực văn hóa cần làm mới văn hóa truyền thống bằng công cụ hiện đại, quốc tế hóa bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc và dân tộc hóa các giá trị, tinh hoa văn hóa thế giới.

Trong kinh tế, tỉnh phải phát huy hiệu quả 3 trung tâm động lực kinh tế của tỉnh, bố trí nguồn lực thực hiện. Ưu tiên phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn, nâng cao hiệu quả khai thác Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, Cảng nước sâu Chân Mây, Lăng Cô - Bạch Mã, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Quần thể di tích Cố đô Huế.

Đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần "ba cùng": "cùng lắng nghe, thấu hiểu", "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển".

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh… Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, cùng toàn thể các bộ, ngành và lãnh đạo các cấp của tỉnh Thừa Thiên Huế: "Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; tạo khí thế, động lực mới cho phát triển".

Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng, với đà phát triển những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương khác, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như các quy hoạch đã công bố.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Trong khuôn khổ hội nghị, tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư gồm: Trung tâm Logisistic Chân Mây tại cảng Chân Mây với tổng vốn đầu tư 1.512 tỷ đồng của CTCP Tập đoàn LEC; dự án nhà máy chế biến cát thạch anh Creanza 2.186 tỷ đồng tại khu C KCN Phong Điền của CTCP Tập đoàn MIT Việt Nam, dự án nhà máy sản xuất kính siêu trắng Đạt Phương 1.500 tỷ đồng tại KCN Phong Điền của công ty CO kính Đạt Phương,...

Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, văn bản nghiên cứu cho các dự án. Ảnh: VGP.
Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, văn bản nghiên cứu cho các dự án. Ảnh: VGP.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.