Phía sau đà tăng vững chắc của cổ phiếu 'trùm BOT' Tasco

DOANH NGHIỆP Việt nAM
07:57 - 15/03/2022
Tasco lấn sân sang lĩnh vực phân phối ô tô và bất động sản hạng sang.
Tasco lấn sân sang lĩnh vực phân phối ô tô và bất động sản hạng sang.
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi các cổ phiếu nhóm xây dựng & bất động sản đua nhau lao dốc thì mã HUT của CTCP Tasco là một trong những mã vẫn tăng dần đều. Đà tăng được hỗ trợ sau sự chuyển biến trong tầng lớp thượng tầng cũng như đường hướng kinh doanh.

Kết phiên 14/3, HUT đứng ở mức giá 40.300 đồng/cp. Đây cũng là một trong những mã hiếm hoi ở chiều tăng mạnh trong phiên thứ Hai đỏ lửa, khi VN-Index rơi mất hơn 20 điểm.

Thời gian qua, khi thị trường suy yếu do tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, bất động sản & xây dựng là một trong những nhóm ngành thiệt hại nhất khi dòng tiền liên tục thoái lui; HUT vẫn “vững tay chèo” vượt sóng. Tính từ phiên 7/2 đến nay, mã đã tăng gần gấp đôi, từ mức giá 21.900 đồng/cp lên 40.300 đồng. Còn so với thời điểm cách đây 1 năm, thị giá của mã đã tăng gần gấp 7 lần.

Đáng chú ý là giai đoạn nhóm ngành bị tác động mạnh từ sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm và Chủ tịch FLC bán chui cổ phiếu, HUT vẫn như nằm ngoài thời cuộc.

Với đà tăng vững chãi như trên, mã chứng khoán của Tasco là 1 trong 8 cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa được thêm mới vào danh mục của MVIS Vietnam Index – chỉ số cơ sở của quỹ Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) – trong kỳ cơ cấu danh mục quý 1/2022.

HUT tăng mạnh mẽ bất chấp thị trường đỏ lửa.

HUT tăng mạnh mẽ bất chấp thị trường đỏ lửa.

Sự thăng hoa của HUT diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh vượt trội, trái ngược so với giai đoạn 2019 – 2020, khi lượng xe thấp hơn dự kiến do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến “ông trùm” BOT trượt dài trong thua lỗ. Cụ thể, năm 2021, Tasco đạt doanh thu thuần 870 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và lãi ròng 65 tỷ đồng nhờ khoản lãi đột biến trong quý cuối năm (năm 2020 lỗ ròng 235 tỷ đồng).

Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng có nhiều chuyển biến trong tầng lớp thượng tầng cũng như đường hướng kinh doanh. Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 (AGM 2021) của HUT diễn ra vào tháng 6/2021, các cổ đông đã thông qua việc tăng số lượng và cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017 – 2022 từ 5 lên 7 thành viên.

Đại hội cũng bầu bổ sung các ông Nguyễn Danh Hiếu và Nguyễn Huy Tuấn vào HĐQT. Ông Hiếu khi ấy đang là Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Ngành nước DNP (DNP Water, công ty con do CTCP Nhựa Đồng Nai nắm gần 70% cổ phần), Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất Kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội và CTCP Cấp thoát nước Bình Thuận.

Ít tháng sau, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 (EGM 2021), thêm một nhân sự xuất thân từ nhóm DNP được bầu vào HĐQT HUT là ông Hồ Việt Hà. Ông Hà từng là Thành viên HĐQT CTCP Du lịch Thiên Minh, trước khi gia nhập nhóm DNP, đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT DNP Water. Cùng tham gia HĐQT HUT với ông Hồ Việt Hà còn có bà Trần Hằng Thu (SN 1978) – cộng sự cũ của ông Hà ở Thiên Minh Group.

Song song với HĐQT, ban kiểm soát của HUT cũng được thay mới với sự tham gia của bà Trần Minh Trang (SN 1982) - kế toán trưởng tại DNP Water từ tháng 4/2019 – tháng 6/2021. Tương tự, những cái tên còn lại trong ban điều hành HUT cũng có nhiều mối liên hệ với hệ sinh thái DNP như TGĐ Nguyễn Huy Tuấn, Phó TGĐ Nguyễn Thế Minh, Phó TGĐ Phan Thị Thu Thảo, Kế toán trưởng Nguyễn Hoàng Oanh...

Điều đáng chú ý nữa là cơ cấu cổ đông HUT cũng có những sự thay đổi lớn cả về số lượng và mức độ cô đặc giữa hai kỳ đại hội. Tại AGM 2021 của HUT, có 19 cổ đông tham gia, đại diện cho 149 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, tương đương 55,48% vốn điều lệ. Đến EGM 2021, chỉ có 15 cổ đông tham dự nhưng đại diện cho 197,5 triệu cổ phần, tương đương 73,52% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Như vậy có thể thấy, nhóm chủ mới đã rất tích cực gom mua cổ phiếu HUT để củng cố vị thế tại doanh nghiệp này. Và bóng dáng của DNP ngày càng rõ nét khi chiếc ghế Chủ tịch HĐQT được ông Hồ Việt Hà tiếp quản từ ngày 28/10/2021.

Phần giới thiệu về ông Hồ Việt Hà trong ban lãnh đạo Tasco.

Phần giới thiệu về ông Hồ Việt Hà trong ban lãnh đạo Tasco.

Lấn sân mảng ô tô, bất động sản hạng sang

Cùng với sự có mặt của nhóm cổ đông mới, chiến lược kinh doanh của HUT có sự thay đổi rõ rệt. Đầu tiên, công ty tái cấu trúc mảng Y tế theo hướng chuyển nhượng toàn bộ vốn góp thuộc sở hữu của Tasco tại Công ty TNHH T’Hospital (tỷ lệ sở hữu 100%). Sau đó là kế hoạch tăng vốn để hoán đổi 100% cổ phần tại SVC Holdings.

SVC Holdings đang sở hữu 54,1% của Công ty cổ phần Dịch Vụ Tổng Hợp Sài Gòn (Savico) và các công ty lớn như 100% Savico Hà Nội, 80% Công ty Cổ phần Ô Tô Bắc Âu (Volvo Việt Nam), 59,8% Công ty Cổ phần DANA (Đà Nẵng Ford). Là nhà phân phối ô tô số một Việt Nam với hơn 11,2% thị phần nên trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, SVC Holdings vẫn đạt doanh thu toàn bộ hệ thống hơn 27.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 408 tỷ đồng.

Ngoài lĩnh vực ô tô với 62 showroom trên toàn quốc, SVC Holdings còn sở hữu và tham gia đầu tư nhiều dự án bất động sản trung tâm thương mại, toà nhà văn phòng, dự án du lịch tại những thành phố lớn như Trung Tâm Savico Megamall tại Hà Nội - 4,6ha, Trung tâm thương mại Savico Đà Nẵng - 4.739m2, Trung tâm Thương Mại Savico Cần Thơ - 2.849m2…

SVC Holdings là nhà phân phối thương hiệu xe sang Volvo tại Việt Nam.
SVC Holdings là nhà phân phối thương hiệu xe sang Volvo tại Việt Nam.

Sau khi thông báo lấn sân sang lĩnh vực phân phối ô tô, HĐQT HUT mới đây lại thông qua chủ trương thành lập công ty con - Công ty TNHH Tasco Land, do Tasco sở hữu 100% vốn điều lệ. Tasco Land sẽ tập trung phát triển mảng bất động sản cao cấp với động thái đầu tiên là đầu tư vào CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (mã chứng khoán NVT).

Ninh Vân Bay được biết đến là đơn vị vận hành nhiều dự án nghỉ dưỡng 5 sao như Six Senses Ninh Vân Bay, Six Senses Sai Gon River, Emralda Ninh Bình, Lạc Việt New Tourist City, Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa,… Công ty này cũng vừa nắm 99,51% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Dã Hương vào giữa năm ngoái, qua đó sở hữu thêm hai khu nghỉ dưỡng gồm Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa ở Đà Lạt và khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Mũi Né, Phan Thiết.

Theo kế hoạch do Ninh Vân Bay công bố, trong 5 năm tới, doanh nghiệp sẽ phát triển 10 chuỗi bất động sản nghỉ dưỡng với quy mô 30-50 biệt thự lớn ở mỗi khu. Tuy nhiên tính đến cuối năm 2021, Ninh Vân Bay lỗ lũy kế gần 708 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu gần 538 tỷ đồng. Cổ phiếu NVT cũng đang nằm trong diện cảnh báo.

Đáng chú ý là từ năm 2019, Ninh Vân Bay đã tái cấu trúc với sự thoái vốn của cổ đông ngoại và sự xuất hiện của nhân tố mới. Đó là ông Phạm Thành Thái Lĩnh và ông Nguyễn Hoàng Giang, lãnh đạo DNP Water - với vai trò Chủ tịch và Thành viên HĐQT.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Ly (thứ 2 từ phải sang) chủ trì đại hội. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ API: Mục tiêu có lãi trở lại

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (HNX: API) được tổ chức ngày 10/5 tại Tòa nhà Grand Plaza, số 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.