Quảng Ninh tích cực dọn đường để thu hút 'đại bàng về làm tổ'

ĐẦU TƯ quảng ninh
09:02 - 27/07/2022
Dự án Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh.
Dự án Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh.
0:00 / 0:00
0:00
Thời gian qua, nhiều mô hình phục vụ với để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư được Quảng Ninh thiết lập, vận hành hiệu quả như Trung tâm Phục vụ hành chính công, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Tổ công tác Investor Care...

Tại Phiên tọa đàm "Quảng Ninh – Cơ hội thu hút đầu tư" trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 diễn ra chiều ngày 26/7, đại diện các tập đoàn lớn, các tổ chức quốc tế từ 21 nước thành viên APEC đã nêu các ý kiến thảo luận tập trung vào việc nhận định, đánh giá về tiềm năng, tính hấp dẫn, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, Quảng Ninh có vị trí đặc biệt chiến lược, là địa phương duy nhất trên cả nước có biên giới với Trung Quốc cả trên đất liền và trên biển. Có thể được xem tỉnh là “cây cầu” nối giữa Trung Quốc và khu vực CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), giữa Trung Quốc và thị trường ASEAN.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng luôn nằm trong tốp đầu quốc gia về tăng trưởng kinh tế với tốc độ trên 10% này liên tục trong 6 năm, từ 2016 đến 2021. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt trên 7.000 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Đây cũng là địa phương đã 5 năm liên tiếp từ 2017 đến 2021 đứng đầu Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số PCI (bộ chỉ số đánh giá về chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh dựa trên cơ sở khảo sát ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp).

Môi trường kinh doanh thuận lợi đã trở thành thương hiệu và lợi thế lớn của Quảng Ninh, đưa Quảng Ninh thành điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc đứng đầu cả nước về PCI cũng cho thấy Quảng Ninh có chính quyền năng động, hiệu quả và thân thiện với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI

Ông Csaba Bundik - Phó chủ tịch Phòng Thương mại Trung và Đông Âu đánh giá, Quảng Ninh được các nhà đầu tư của châu Âu biết đến với nhiều yếu tố hấp dẫn. Ngoài vị trí, điều kiện tự nhiên thì quan trọng vấn đề hậu cần. Đó là kết quả của chiến lược mang tính chất dài hạn, tầm nhìn xa của tỉnh.

Các đại diện Tập đoàn NEC Corporation (tập đoàn điện tử và công nghệ thông tin đa quốc gia của Nhật Bản), Tập đoàn Quanta Computer (một trong những nhà sản xuất máy tính xách tay hàng đầu thế giới), Tập đoàn BAE Systems plc (công ty vũ trụ, an ninh và vũ trụ đa quốc gia của Anh, lớn nhất ở châu Âu và được xếp hạng lớn thứ 7 trên thế giới dựa trên doanh thu hiện hành năm 2021)… đều mong muốn được nghe tỉnh Quảng Ninh chia sẻ những ưu đãi, hỗ trợ cho những lĩnh vực mà doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Chú trọng phát triển cả hạ tầng cứng và mềm

Giải đáp chung cho các đề nghị từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã giới thiệu đến các nhà đầu tư những lợi thế so sánh nổi trội của Quảng Ninh. Nổi bật là vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế với đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, trong đó có 3 cửa khẩu. Đây là nền tảng để thúc đẩy phát triển thương mại biên mậu, trao đổi hàng hóa và dịch vụ với quốc gia đông dân nhất thế giới. Cùng với đó là tài nguyên thiên nhiên giàu có, hệ sinh thái tự nhiên phong phú.

Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược cũng là điểm thu hút đầu tư. Đến nay, Quảng Ninh có hơn 200 km đường cao tốc đi qua (chiếm 1/10 chiều dài đường cao tốc cả nước); sân bay quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không đầu tiên của Việt Nam được đầu tư từ nguồn vốn tư nhân của Tập đoàn Sun Group.

Bên cạnh “hạ tầng cứng”, tỉnh còn chú trọng xây dựng “hạ tầng mềm” với lực lượng lao động trẻ và có trình độ tay nghề cao (51% lực lượng lao động có độ tuổi 15 đến 39 và 38,3% có bằng đại học và sau đại học). Năng suất lao động xã hội năm 2021 đạt 351,2 triệu đồng/người, gấp 1,8 lần bình quân chung cả vùng.

Quảng Ninh cũng là địa phương có tổng diện tích khu công nghiệp, khu kinh tế lớn nhất cả nước. Cụ thể là 2 khu kinh tế ven biển, 3 khu kinh tế cửa khẩu, 16 khu công nghiệp; là một trong những Trung tâm sản xuất điện lớn nhất Việt Nam.

Đáng chú ý là môi trường đầu tư kinh doanh, công tác cải cách hành chính. Trong khi đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội giúp giảm chi phí trực tiếp thì việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh góp phần cắt giảm các chi phí gián tiếp của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Với những lợi thế trên, Quảng Ninh ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư và cam kết tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội như du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Tỉnh đang phối hợp với Công ty McKinsey (Hoa Kỳ), Nikken Sekkei (Nhật Bản) tập trung triển khai lập quy hoạch Quảng Ninh trên cơ sở kế thừa 7 quy hoạch chiến lược quan trọng của tỉnh. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ tìm thấy những cơ hội đầu tư tiềm năng trong quá trình nghiên cứu quy hoạch để đề xuất thực hiện dự án động lực.

1,7 tỷ USD cam kết đầu tư vào Quảng Ninh

Tại phiên khai mạc Hội nghị xúc tiến đầu tư, hai nhà đầu tư nước ngoài lớn đã ký kết biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư với tổng vốn hơn 1,7 tỷ USD vào Quảng Ninh. Một là CTCP Hoá dầu Stavian Quảng Yên cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong của DEEP C để triển khai dự án sản xuất hạt nhựa Polypropylene (PP).

Hai là Vietnam Investment Q Limited (thuộc Công ty TNHH Indochina Kajima Development, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima, Nhật Bản) ký kết thỏa thuận giữ đất (7,6 ha tại lô đất CN5 của KCN Bắc Tiền Phong) với DEEP C, để xây dựng phát triển hệ thống nhà xưởng, nhà kho xây sẵn chất lượng cao và hiện đại, với vốn đầu tư dự kiến 23,9 triệu USD.

Ngoài ra, có ba dự án mới được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngay tại Hội nghị với tổng vốn hơn 68,7 triệu USD: Dự án Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong CN2.1C của Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong (tổng mức đầu tư là 20,5 triệu USD), Kho Jinko Solar Việt Nam (Jinko 3) của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) tại KCN Sông Khoai, với tổng mức đầu tư 35,56 triệu USD; Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên của Jinko Solar Việt Nam, tổng mức đầu tư gần 12,65 triệu USD.

Trước đó, tại cuộc họp đánh giá đánh giá công tác thu hút đầu tư FDI do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, 6 tháng đầu năm 2022, địa phương này đã cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án FDI với tổng vốn là 149,6 triệu USD. Tại thời điểm cuối tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh có tổng số 150 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 8,26 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh cũng đã làm việc với 20 đoàn doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, mục tiêu năm 2022 thu hút vốn FDI toàn tỉnh đạt ít nhất 1,5 tỷ USD, các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao…

Tin liên quan

Đọc tiếp