Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Xây dựng về quản lý thị trường bất động sản

Bộ xây dựng QUỐC HỘI
06:00 - 03/11/2022
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Quochoi
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Quochoi
0:00 / 0:00
0:00
Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 3/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Đất đai sửa đổi. Chiều cùng ngày, thành viên đầu tiên của Chính phủ sẽ trả lời chất vấn là Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Chiều 3/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng, với các nội dung chính sau:

Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội

Quản lý thị trường bất động sản. Việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản.

Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.

Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Quốc hội sẽ có 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ. Ảnh: Quochoi

Quốc hội sẽ có 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ. Ảnh: Quochoi

Kiểm soát hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản

Liên quan đến công tác quản lý thị trường bất động sản, trong báo cáo gửi Quốc hội về một số nội dung liên quan đến các vấn đề chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đóng góp trung bình của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách (trong đó ngành bất động sản trực tiếp chiếm khoảng 4,5%, đóng góp trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP).

Thu hút nguồn vốn FDI lĩnh vực bất động sản năm 2021 khoảng 2,6 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn FDI, đứng thứ 3 trong các lĩnh vực FDI). Đến tháng 9/2022, giá trị vốn hóa ngành bất động sản ước tính khoảng 1,7 – 1,8 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng bất động sản tính đến 31/8/2022 đạt 777.235 tỷ.

Hiện có hơn 1.100 sàn giao dịch bất động sản, hơn 44 cơ sở đào tạo về bất động sản (khoảng 32.900 đã cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản).

Tuy nhiên, thị trường bất động sản là thị trường phức tạp, liên thông, gắn trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ và các thị trường khác.

Cơ cấu nguồn lực cho thị trường bất động sản còn bất hợp lý, chủ yếu từ vốn tín dụng ngân hàng, huy động qua phát hành trái phiếu và tiền ứng trước của khách hàng. Vốn của chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15-30% tổng mức đầu tư của dự án, chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường.

Bất cập nữa của thị trường là giao dịch bất động sản chưa minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế... khá phổ biến. Giá bất động sản, nhất là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập người dân. Điều này khiến người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.

Đề cập đến giải pháp trong công tác quản lý thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập cần sửa đổi. Trong đó có sự chưa thống nhất về hình thức lựa chọn (đấu giá, đấu thầu, chỉ định) chủ đầu tư dự án có sử dụng đất...

Đồng thời, cần thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản.

Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm...

Tin liên quan

Đọc tiếp