Quy chế, chính sách đang cản trở xung lực phát triển của bất động sản du lịch

bđs BĐS Du lịch
22:44 - 10/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Cùng với việc mở cửa lại du lịch, thị trường bất động sản du lịch tại Việt Nam cũng đang ấm trở lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hệ thống chính sách, pháp luật liên quan hiện còn những nội dung chưa phù hợp với đặc điểm của loại hình bất động sản này.

Tại hội thảo "Xung lực cho thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vùng Duyên hải Bắc Bộ", do Hội môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 9/4, các chuyên gia, đại diện ban ngành nhận định, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch ở Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện. Theo đó, khung pháp lý còn chưa theo kịp so với hiện thực phát triển của lĩnh vực bất động sản du lịch, nên phần nào cản trở xung lực tăng trưởng của loại hình này.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản du lịch đang phải "phá rào" để phát triển. "Hiện nay, cơ chế, chính sách với các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa rõ ràng, nhất là ở phân khúc căn hộ condotel. Loại hình bất động sản này vẫn chưa được cấp sổ đỏ, dễ gây rủi ro cho nhà đầu tư trong việc kinh doanh, sử dụng", ông Hà nói thêm.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam. Ảnh: Thảo Ngân

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam. Ảnh: Thảo Ngân

Trước thực tế này, ông Hà đề xuất: "Cần có một cơ chế rõ ràng, minh bạch để thúc đẩy sự phát triển của loại hình bất động sản này, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và nhà phát triển. Vì vậy, rất cần sự ủng hộ, lên tiếng của Hiệp hội để đưa yêu cầu, mong muốn của doanh nghiệp đến với Nhà nước".

Trong khi đó, đứng từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Trần Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc DTJ Group cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng là cơ hội cho bất động sản Việt Nam phát triển. Bất động sản nghỉ dưỡng liên quan đến du lịch, trong khi kinh doanh du lịch, khách sạn lại là loại hình kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, theo bà Hiền, nếu Luật Đất đai không giải quyết rõ giữa nhà ở thương mại và đất thương mại dịch vụ và cho nhà đầu tư quyền kinh doanh thì kể cả đất được định danh cũng không thể xin được giấy phép kinh doanh.

"Lúc đó, kinh doanh du lịch trên mảnh đất sở hữu lại là sai mục đích, đồng thời vi phạm luật pháp. Trong khi đó, việc kinh doanh tự phát như vậy hiện nay xuất hiện rất nhiều, thể hiện ở các dịch vụ homestay, hometel...", bà Trần Thị Thu Hiền cảnh báo. Doanh nhân này cũng cho rằng, nếu không có khung pháp lý cho loại hình bất động sản này thì sẽ gây cản trở cho việc phát triển bất động sản du lịch trong tương lai.

Cùng nói về những bất cập, ông Phạm Hải Đăng, Chủ tịch công ty bất động sản Trường Phúc phân tích rằng, trong bất động sản du lịch thì ngoài vướng mắc về pháp lý cho phân khúc căn hộ condotel còn có nhiều vướng mắc khác về phân khúc khu đô thị, khu nhà ở.

Ông Đăng dẫn chứng: "Phụ lục số 9, Nghị định 15 Chính phủ ban hành vào tháng 3/2021 có ghi tiêu chí về khu đô thị phải đạt diện tích 20ha trở lên. Điều này khiến cho rất nhiều dự án trung bình, nhỏ phải dừng lại. Những dự án dưới 20ha không đưa được vào các dự án thu hồi đất, từ đó không thể lựa chọn nhà đầu tư dẫn đến các dự án này bị bỏ ngỏ".

"Còn về phân khúc condotel đang không chuyển nhượng, kinh doanh được do chưa có sổ đỏ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã đưa ra những giải pháp tạm thời như 'MFD' hóa loại hình bất động sản này, và đưa lên sàn nước ngoài giao dịch. Tuy nhiên, việc này chưa được hợp pháp hóa, vì vậy rất cần những chính sách tháo gỡ, hỗ trợ từ phía Nhà nước", ông Đăng nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Đăng cũng cho rằng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng muốn phát triển hơn nữa cần phải giao dịch với nước ngoài vì "nếu chỉ loanh quanh bán cho nhà đầu tư trong nước thì khó mà cạnh tranh được".

Tiếp thu các ý kiến từ doanh nghiệp, và hiệp hội, với tư cách là đơn vị Nhà nước tham gia hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng bày tỏ: "Không chỉ riêng lĩnh vực bất động sản mà lĩnh vực nào cũng cần có cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này Nhà nước đã ban hành một số chính sách nhưng chưa rõ ràng dẫn đến có những cách hiểu khác nhau khi triển khai thực hiện".

Ở phân khúc condotel, việc chưa cấp sổ đỏ cho loại hình bất động sản này khiến cho người mua cảm thấy e dè, lo ngại khi lựa chọn. Tuy nhiên, ông Khởi cho rằng đối với những người mua để kinh doanh, nếu dự án đã có đầy đủ tính pháp lý thì sổ đỏ chỉ là một "vấn đề" cần thời gian giải quyết chứ không ảnh hưởng đến quyết định mua bán của họ.

"Việc cấp sổ đỏ cho condotel phải nói bằng luật, nói bằng Nghị định chứ không thể chỉ đưa ra một văn bản công bố. Đồng thời, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cần thông qua cùng một lúc với Luật Đất đai. Luật Đất đai còn liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho condotel, officetel, vì vậy cần sửa Luật Đất đai là điều kiện tiên quyết để sửa các luật còn lại", ông Khởi nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng. Ảnh: Thảo Ngân
Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng. Ảnh: Thảo Ngân

Hiện nay, với phương châm cải cách thủ tục hành chính, làm tinh gọn các quy trình thì việc sửa luật là bước đầu tiên trong quá trình này bởi các thủ tục đều quy định trong luật, nên muốn cải cách thì phải sửa luật. Luật quy định bao nhiêu thủ tục thì làm bấy nhiêu thủ tục. Cho đến bây giờ, cải cách mới chỉ dừng ở bước làm nhanh hơn, rút ngắn thời gian chứ chưa thể bỏ các thủ tục hành chính khác.

Tuy nhiên, ông Khởi cũng lưu ý rằng: "Khi Nhà nước mở dự thảo sửa đổi, lấy ý kiến, các doanh nghiệp và hiệp hội cần phải tham gia góp ý, nêu ngay quan điểm của mình, tránh trường hợp khi Quyết định đã ban hành lại gặp vướng mắc hay luật ban ra rồi lại đòi sửa đổi".

Tin liên quan

Đọc tiếp