Các sàn thương mại điện tử vẫn cần nộp thuế thay người bán hàng
Tại tờ trình, Bộ Tài chính đã phân loại 4 hình thức của sàn thương mại điện tử gồm website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ; và mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động nêu trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.
Tuỳ vào đặc thù của những dạng website trên, Bộ Tài chính có quy định về việc nộp thuế. Theo đó, các sàn không tham gia trực tiếp vào giao dịch mua bán (chỉ đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ) dự kiến không phải khai, nộp thuế thay người tham gia bởi không có các thông tin về doanh thu, tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân người bán. Trong khi đó, với những sàn có chức năng mua hàng trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki... Bộ Tài chính đề xuất quy định vẫn phải kê khai và nộp thuế thay cho người bán trên sàn.
Cụ thể, Dự thảo quy định bổ sung trách nhiệm khai thuế thay, nộp thay cho cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) có phát sinh bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn của các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử.
Theo đó, với hàng hóa, dịch vụ được bán thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn thì tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm đại diện cho người bán là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) để khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.
Chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm: Tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn (nếu chủ sở hữu sàn không thực hiện khai thay, nộp thay thuế cho người bán).
Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hằng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng chuẩn dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.
Bộ Tài chính đánh giá điều này sẽ giúp tối ưu hóa và rút ngắn thủ tục hành chính cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế khi giảm đầu mối kê khai. Theo đó, thay vì từng cá nhân kê khai và nộp thuế thì chỉ có một đơn vị là chủ sàn thương mại điện tử cần thực hiện việc này.
Việc nộp thuế thay có thể tạo áp lực về tài chính cho các sàn thương mại điện tử
Tuy nhiên, VCCI đã có nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đến Bộ Tài chính về vấn đề này. Theo đó, VCCI đánh giá quy định của Bộ Tài chính sẽ gây ảnh hướng lớn tới các doanh nghiệp.
Theo đó, VCCI chỉ ra rằng nhiều sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng không thu nhận toàn bộ dòng tiền trong tất cả các giao dịch qua sàn, vì sàn sẽ không nhận được tiền của người mua hàng nếu họ thanh toán bằng tiền mặt. Nếu người mua hàng trả bằng tiền mặt, số tiền này sẽ thông qua đơn vị vận chuyển tới thẳng người bán, không đi qua đơn vị trung gian là sàn thương mại điện tử.
Do đó, việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay cho người bán sẽ tạo ra áp lực rất lớn tài chính cho sàn khi phải ứng trước một khoản tiền thuế từ người bán phải đóng.
Thực tế, hiện nay, theo Sách trắng Thương mại điện tử mà Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) mới công bố, đa phần người mua hàng (73%) vẫn lựa chọn hình thức thành toán bằng tiền mặt khi nhận hàng.
Trong khi đó, trong nhiều trường hợp, sàn thương mại điện tử không có đủ công cụ cũng như quyền lực để thực thi yêu cầu người bán trả lại tiền thuế mà sàn đã đóng thay. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho hoạt động của sàn thương mại điện tử.
Vì vậy, VCCI kiến nghị, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển. Chính sách chung với đối tượng này vẫn nên tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển. Do đó, "các quy định mới cần phải cân nhắc thật sự thấu đáo để tránh tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ quá lớn cho các đối tượng trung gian này".
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, dự kiến quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm nay sẽ đạt 16,4 tỷ USD, với khoảng 60% dân số tham gia mua sắm.
Nền thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, theo dự báo của Google, Temasek và Bain & Company tại Báo cáo “Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2021”, đến năm 2025, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng vọt lên vị trí thứ 2 trong khu vực ASEAN, đạt 39 tỷ USD.