'So găng' lợi nhuận giữa các doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán

DOANH NGHIỆP Việt nAM
18:34 - 31/01/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Hiện phần lớn các doanh nghiệp trong nhóm vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam đều đã công bố kết quả kinh doanh năm 2021, trong đó nhiều đơn vị ghi nhận doanh thu vượt trội nhưng lợi nhuận lại khá “hẻo”.

Trong rổ VN30 (30 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn HoSE), chỉ còn 2 doanh nghiệp chưa có kết quả kinh doanh năm 2021 là NVL (CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va) và VJC (Công ty Cổ phần Hàng không VietJet). VietJet đã có công văn gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM xin gia hạn thời gian nộp báo cáo tài chính quý 4 năm 2021.

Lý do là vì hãng gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận các dữ liệu và chứng từ các nhà cung cấp do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, do thị trường chưa hồi phục và để phòng chống dịch nên công ty đã phải cho 70% nhân viên khối văn phòng làm việc ở nhà; một phần nhân sự bị cách ly dẫn đến quá trình xử lý, tổng hợp đối chiếu số liệu giữa các phòng ban chậm trễ.

28 doanh nghiệp đã có báo cáo thì PLX (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex) và HPG (Tập đoàn Hòa Phát) dẫn đầu về doanh thu với con số lần lượt là 169.113 tỷ đồng và 150.800 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận có sự chênh lệch khá lớn. Hòa Phát thu về 37.056 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong khi ở Petrolimex con số này là 3.781 tỷ đồng.

Giá thép phi mã và việc đẩy mạnh xuất khẩu đã mang lại năm kinh doanh thành công nhất cho HPG. Còn PLX lợi nhuận ghi nhận tăng trưởng 140% so với năm 2020 song vẫn bị "ghìm chân" do giá dầu thế giới rớt thảm ở nửa cuối quý IV tác động đến biên lãi gộp; đồng thời phát sinh tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý IV là gần 200 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ hoàn nhập 42 tỷ đồng).

Bộ ba nhà Vingroup thì có kết quả kinh doanh không đồng đều. VIC (Tập đoàn Vingroup) đạt doanh thu hợp nhất 125.306 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu về chỉ vỏn vẹn 3.346 tỷ đồng. Thậm chí sau khi trừ các loại thuế, VIC ghi nhận lỗ 7.523 tỷ đồng. Kết quả này là do các mảng kinh doanh dịch vụ như bất động sản cho thuê, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí chịu ảnh hưởng lớn bởi các đợt giãn cách kéo dài. Ngoài ra, Tập đoàn còn chi lớn cho mảng xe điện và tài trợ chống dịch.

Ngược lại, năm nay lại là năm đại thắng của VHM (CTCP Vinhomes) với 122.958 tỷ đồng doanh thu và 85.094 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. VHM nhận “trái ngọt” từ các đại dự án giai đoạn 2018-2020: Ocean Park, Smart City, Grand Park. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên trên sàn chứng khoán cán mốc 2 tỷ USD lợi nhuận.

Lợi nhuận của VRE (Vincom Retail) cũng giảm 45% so với năm ngoái, đạt 1.692 tỷ đồng; chủ yếu do đã chi ra tổng cộng 2.115 tỷ đồng cho gói hỗ trợ khách hàng thuê bất động sản trong đại dịch.

Doanh thu và lợi nhuận của 28 doanh nghiệp trong nhóm VN30.

Ngân hàng – nhóm đóng góp nhiều mã trong rổ VN30 năm 2021 đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt cả về doanh thu và lợi nhuận. Dẫn đầu vẫn là VCB (Vietcombank) với 56.900 tỷ đồng và 27.400 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với năm trước. Tiếp theo là TCB (Techcombank) với 37.100 tỷ đồng và 23.200 tỷ đồng, tăng trưởng 47,1% so với năm 2020.

BID (BIDV) đạt doanh thu 62.391 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu về chỉ đạt 13.601 tỷ đồng. CTG (Vietinbank) cũng tương tự khi doanh thu là 53.146 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ đạt 17.589 tỷ đồng. Nếu so với năm trước thì lợi nhuận của hai thành viên nhóm “big 4” này chỉ tăng trưởng chút ít.

Các ngân hàng khác ghi nhận lợi nhuận hơn 10.000 tỷ đồng là MBBank, PVBank, ACB; đều tăng trưởng mạnh so với năm 2020. Đáng chú ý, nếu tính riêng lợi nhuận ngân hàng mẹ năm 2021 thì PVBank vươn lên vị trí quán quân với 37.963 tỷ đồng, nhờ nguồn thu 20.350 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi FE Credit.

Ở nhóm VN30, doanh thu cao đáng chú ý còn có MWG (Công ty CPĐT Thế giới Di động), MSN (Tập đoàn Masan), GAS (Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV GAS), VNM (CTCP Sữa Việt Nam, Vinamilk), BVH (Tập đoàn Bảo Việt), GVR (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam). Trong đó, bứt phá nhất là MSN khi ghi nhận tăng trưởng ở hầu hết các mảng kinh doanh, lợi nhuận tăng 593,8% so với năm 2020.

Tập đoàn Bảo Việt cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt với tổng doanh thu hợp nhất cả năm 2021 đạt 50.380 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.367 tỷ đồng, tăng trưởng 20,5% so với năm trước.

Thế giới Di động vẫn giữ “ngôi vương” trong thị trường bán lẻ nhưng chủ yếu là kinh doanh thiết bị điện tử, công nghệ nên giá vốn cao. Mặc dù vậy, lợi nhuận của công ty vẫn ghi nhận tăng trưởng 25% so với năm trước.

GAS được hưởng lợi từ giá dầu tăng nhưng sản lượng sụt giảm do dịch bệnh nên lợi nhuận chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ. GVR thì doanh thu tăng gần 38% so với năm 2020 nhưng lợi nhuận cũng chỉ tăng nhẹ 2% so với thực hiện của năm trước đó. VNM ghi nhận lợi nhuận “đi lùi”, giảm so với năm trước khoảng 5%; trong khi doanh thu tăng 2,2%.

10 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất trên HoSE.

Các doanh nghiệp còn lại trong rổ VN30 ghi nhận tăng trưởng tốt trong năm qua là FPT (Tập đoàn FPT), PDR (Bất động sản Phát Đạt), SSI (Chứng khoán SSI). Ngược lại, PNJ (Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận) và POW (Tổng công ty Điện lực Dầu khí - PV Power) ghi nhận lợi nhuận đi lùi với mức giảm lần lượt là 3,7% và 25%.

SAB (CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Sabeco) cũng ghi nhận doanh thu giảm 6% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế giảm 20%, đạt 4.856 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ 2015 của Sabeco.

Xét về quy mô vốn hóa trên thị trường chứng khoán thì hiện VCB đứng thứ nhất với 420.970 tỷ đồng (tương đương khoảng 20 tỷ USD); bỏ xa doanh nghiệp đứng thứ 2 là Vingroup, khoảng 354.000 tỷ đồng. Đứng thứ 3 là VHM với vốn hóa xấp xỉ 350.000 tỷ đồng. Tiếp theo là BID, GAS, HPG , TCB, VNM, MSN…

Xét về thị giá, SAB đang có giá cao nhất trong rổ VN30 với giá trần 159.000 đồng/cp. Kết phiên 28/1, mã có giá 148.700 đồng. Cao thứ hai là MSN với giá trần 151.900 đồng. Mã đứng giá 143.000 khi kết phiên cuối năm Âm lịch. Các mã có thị giá cao tiếp theo là MWG (giá trần 140.700 đồng), VJC (giá trần 129.500 đồng), GAS (giá trần 119.000 đồng), VIC (giá trần 103.000 đồng), VCB (giá trần 97.300 đồng)…

Tin liên quan

Đọc tiếp

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Trong quý 1/2024, Grab ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh và khoản lỗ được thu hẹp. Hầu hết các mảng kinh doanh của công ty đều có cải thiện, nhờ lượng khách du lịch tăng cao trong các đợt lễ hội và các buổi hòa nhạc lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Tổng giám đốc Lê Đình Quang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ OCH: Kế hoạch kinh doanh thận trọng

Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của CTCP One Capital Hospitality (HNX: OCH) được tổ chức ngày 15/5 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Tính đến 8h ngày 15/5, số đại biểu tham dự là 4 cổ đông, đại diện cho 74,59% số cổ phần có quyền biểu quyết.