Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam báo lãi nghìn tỷ

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
11:10 - 03/06/2022
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam báo lãi nghìn tỷ
0:00 / 0:00
0:00
Thành lập chưa đầy một năm, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam báo lãi sau thuế 1.343 tỷ đồng do hợp nhất kết quả kinh doanh của HoSE và HNX.

BCTC riêng của Sở giao dịch chứng khoán Việt nam (VNX) không ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Nguồn thu phát sinh duy nhất là doanh thu tài chính 1.354 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế của hai công ty con là Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Kết quả, VNX báo lãi sau thuế 1.343 tỷ đồng.

Trên BCTC hợp nhất, doanh thu của VNX đạt 2.054 tỷ đồng cũng từ hợp nhất kết quả của hai công ty con. Dịch vụ chứng khoán đóng góp áp đảo vào tổng doanh thu với gần 1.950 tỷ đồng. Phần còn lại là dịch vụ đấu giá, quản lý thành viên và các hoạt động nghiệp vụ. Khoản lãi sau khi trích quỹ khen thưởng, phúc lợi 21 tỷ đồng thì nộp về ngân sách toàn bộ.

Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) thành lập từ ngày 13/4/2021 với mức vốn điều lệ đạt 3.000 tỷ đồng, Tính đến cuối năm 2021, tổng nguồn vốn hợp nhất của VNX là 4.609 tỷ đồng.

Đặc biệt, VNX có tới hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu (tổng giá trị các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi) với giá gốc là 1.078 tỷ đồng nhưng phần có thể thu hồi là 146 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất, khoản phải thu lớn nhất là tại Công ty Chứng khoán Kenanga Việt Nam là hơn 101,7 tỷ đồng. Đây chính là công ty chứng khoán mới đây bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Thời hạn kiểm soát đặc biệt từ ngày 19/5 đến ngày 18/9.

Phát biểu tại lễ thành lập VNX trước đó, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hội đồng Thành viên cho biết, hai Sở HNX và HoSE có nhiệm vụ tương đối độc lập, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, tạo ra một thị trường chứng khoán toàn diện và tổng thể, từng bước tiếp cận tới chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, khi thị trường phát triển đến một cấp độ nào đó, sự giao thoa trong một số hoạt động của hai Sở đã làm giảm đi gia tốc phát triển.

Chẳng hạn, hai Sở đang có sự giao thoa về sản phẩm khi đều tổ chức vận hành thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, hai Sở lại chưa có sự đồng bộ về cơ chế, phương thức giao dịch, kỹ thuật giao dịch... Hay với hạ tầng công nghệ, mỗi Sở đều có những kiến trúc riêng của mình - đòi hỏi thành viên thị trường duy trì hệ thống kết nối độc lập.

"Đây lại là yếu tố mang tính xương sống, quyết định cho sự phát triển của thị trường về sản phẩm, tiện ích và đòi hỏi sự thống nhất", ông Long nói.

Ngày 11/12/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam chính thức ra mắt – đánh dấu một cột mốc phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam. VNX phải tích hợp những triết lý phát triển của HOSE và HNX để tạo ra được giá trị phát triển mới, nâng tầm phát triển trong giai đoạn mới chứ không phải đơn thuần chỉ là một phép cộng cơ học.

VNX ra đời được kỳ vọng sẽ góp phần giúp TTCK phát triển lên một tầm cao mới, tăng trưởng mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu, cũng như tăng cường kết nối tốt hơn với các thị trường khu vực, quốc tế, thúc đẩy nhanh tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam và thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, việc sáp nhập các Sở giao dịch là xu thế quốc tế và theo quy luật khách quan.

Việc thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam cũng đã được đặt ra trong “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020” và “Đề án Tái cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến 2025”.

Đọc tiếp