Mẫu xe Model S của Tesla. Ảnh: Reuters |
ESG (Environmental, social và governance) là thuật ngữ chỉ nhóm các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty. Nếu xem xét thêm các yếu tố ESG trong hoạt động phân tích đầu tư thì các nhà đầu tư có thể biết được những lợi thế trong dài hạn để đưa ra các quyết định. Hiện nhiều công ty quản lý quỹ đã chú trọng đến các yếu tố ESG trong phân tích hoạt động và tiềm năng của doanh nghiệp.
Do vậy, ESG đã dần trở thành một yếu tố quan trọng trong đầu tư nhằm chỉ ra các yếu tố bền vững có liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị công ty. Hiện trong chỉ số S&P Dow Jones ESG, gã khổng lồ năng lượng Exxon chiếm 1,443% trọng số trong khi tập đoàn công nghệ Apple là công ty lớn nhất với 9,657%.
Reuters đưa tin trong số những thay đổi có hiệu lực từ ngày 2/5 được công bố, một tập đoàn khác sớm thuộc quyền kiểm soát của ông Elon Musk là Twitter cùng công ty lọc dầu Phillips 66, Delta Air Lines và Chevron Corp cũng sẽ bị loại khỏi chỉ số này.
Giám đốc điều hành Tesla và đồng thời là người giàu nhất thế giới Elon Musk. Ảnh: Reuters |
Theo bà Margaret Dorn - người đứng đầu chỉ số ESG của S&P Dow Jones Indices tại Bắc Mỹ, điểm ESG của Tesla đã giảm nhẹ so với mức mà hãng này nhận được vào năm ngoái, trong khi điểm số trung bình giữa các nhà sản xuất ô tô khác được cải thiện. Tesla vì vậy đã bị đẩy ra khỏi chỉ số ESG do một quy tắc của chỉ số này được thiết kể để loại bỏ các nhà sản xuất có hiệu suất thấp nhất. Tuy vậy, bà Dorn không nói về lý do vì sao Twitter hay Phillips 66 cũng bị loại.
Trên thực tế, có nhiều yếu tố khác khiến tập đoàn bị loại và một trong số đó chính là do công ty đã không công bố các chi tiết liên quan tới chiến lược cắt giảm carbon hay quy tắc ứng xử kinh doanh của mình. Do đó, bà Dorn nhận định dù các sản phẩm của Tesla giúp cắt giảm lượng phát thải khiến toàn cầu nóng lên, việc thiếu thông tin sẽ khiến các nhà đầu tư lo ngại nếu muốn đánh giá công ty trên các tiêu chí về ESG. Theo bà, sứ mệnh của một công ty không thể chỉ thể hiện ở bề nổi mà còn phải được xem xét trên tất cả các khía cạnh.
Trong cùng ngày 18/5, cơ quan quản lý an toàn Mỹ cũng đã mở một cuộc điều tra về các vụ tai nạn liên quan tới các hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến, trong đó có vụ tai nạn của Tesla trong tháng này tại California. Trước đó hồi tháng 2, Tesla cũng đã bị kiện vì các cáo buộc dung túng cho phân biệt chủng tộc ở chỗ làm việc từ một công nhân da màu.
Khi được liên hệ, đại diện Tesla đã không phản hồi về các thông tin này. Tuy nhiên trước đó, công ty cũng từng đưa ra nhận định các phương pháp luận mà chỉ số ESG sử dụng có “sai sót về cơ bản”. Gần đây, nhà sáng lập ra hãng xe điện này là Elon Musk cũng đã đăng tải trạng thái lên tài khoản chính thức của mình trên Twitter. Trong đó, ông thể hiện sự tức giận của mình, đồng thời đưa ra nhận định gay gắt “ESG là một trò lừa đảo” của “các chiến binh vì công bằng xã hội giả mạo”.
Gần đây, do các lo ngại về đa dạng và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, các nhà đầu tư đã lựa chọn các quỹ để đổ hàng tỉ USD tiền đầu tư của mình bằng tiêu chí ESG. Vì vậy, việc này đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi về mức độ hiệu quả trong hoạt động của các quỹ trong việc thúc đẩy đầu tư. Thêm vào đó, nó cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu chỉ số này có bắt các công ty chịu quá nhiều trách nhiệm vốn thuộc về vấn đề chính sách của chính phủ hay không.
Sự thay đổi trong cách đánh giá chỉ số này cũng phản ảnh cuộc tranh luận đang rất nóng về vấn đề đánh giá hiệu quả hoạt động của một công ty về mặt môi trường, xã hội và quản trị (ESG) bằng các chỉ số. Với số lượng đầu tư ngày càng tăng, việc này càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Thậm chí từ trước đó, ông Musk cùng nhiều người khác đã phàn nàn rằng công ty và các đối thủ đang ôm đồm quá nhiều bằng cách gộp tất cả các lĩnh vực liên quan của ESG vào một tổng điểm. Ví dụ cho trường hợp này, quỹ SPDR S&P 500 ESG ETF dựa trên chỉ số S&P 500 ESG đã nhận được xếp hạng thấp "D", bởi nhóm các nhà hoạt động khí hậu As You Sow. Nguyên nhân chỉ bởi vì cổ phiếu các công ty năng lượng hóa thạch mà quỹ này sở hữu vẫn ở mức 6,5% bất chấp các cam kết về bền vững và tăng trưởng xanh.