Thế yếu của các lái xe công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ

GRAB LAO ĐỘNG
15:17 - 30/11/2022
Ngày 7/12/2020, ở Hà Nội và TP HCM, tài xế GrabBike đã đồng loạt tắt ứng dụng (App) để phản đối hãng xe công nghệ Grab tăng chiết khấu thuế giá trị gia tăng.
Ngày 7/12/2020, ở Hà Nội và TP HCM, tài xế GrabBike đã đồng loạt tắt ứng dụng (App) để phản đối hãng xe công nghệ Grab tăng chiết khấu thuế giá trị gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Theo chuyên gia Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cần tính đến việc tạo ra "Hội những người làm nghề lái xe công nghệ" để nâng cao tiếng nói cho chính họ trong mối quan hệ với các công ty vận hành ứng dụng gọi xe, vốn là điển hình của kinh tế chia sẻ hiện nay.

Đại dịch Covid 19 bùng nổ thời gian vừa qua đã dẫn đến làn sóng người lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ khu vực chính thức sang phi chính thức tại Việt Nam. Điều này khiến ngày càng nhiều lao động tham gia hơn vào các dịch vụ từ xa như vận chuyển khách, giao hàng, đồ ăn thông qua các ứng dụng Grab, Gojek, Lalamove, Ahamove, Baemin...

Tại Hội thảo thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ Việt Nam trong bối cảnh mới ngày 30/11, TS. Bùi Thái Quyên, Viện Khoa học Lao động và Xã hội - ILSSA (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, với những thay đổi như trên, để phát triển mối quan hệ lao động trong kinh tế chia sẻ nói chung và với các nền tảng lái xe công nghệ nói riêng, việc quan trọng nhất là cần nâng cao được nhận thức cho người lao động, để họ tự bảo vệ được lợi ích của mình.

Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế chia sẻ có thể đóng góp vào một nền kinh tế bền vững hơn với tài sản vật chất được sử dụng hiệu quả hơn và cần ít năng lượng, vật liệu hơn. Tuy nhiên, các hình thức việc làm trong kinh tế chia sẻ cũng có những tác động không mong muốn liên quan đến độc quyền ứng dụng, bóc lột sức lao động và cạnh tranh không lành mạnh.

Một vấn đề nổi cộm trong điều kiện làm việc của những người tham gia thị trường lái xe công nghệ đã được TS. Bùi Thái Quyên chỉ ra là các lái xe không có tiếng nói với các hãng đứng sau các ứng dụng. Điều này dẫn đến các mâu thuẫn giữa hai bên, điển hình như ngày 7/12/2020, các tài xế GrabBike từng đồng loạt tắt ứng dụng tại Hà Nội và TP HCM, để phản đối Grab tăng chiết khấu thuế giá trị gia tăng.

“Trong khi chúng ta có nhiều hiệp hội kinh doanh, doanh nghiệp, sao không tạo ra ‘Hội kinh doanh Grab’, để nâng cao tiếng nói cho chính họ trong mối quan hệ với các ứng dụng, chia sẻ kinh nghiệm, cùng bảo vệ quyền lợi cho những người cùng công việc như mình”, TS. Bùi Thái Quyên gợi mở giải pháp.

Grab kiến nghị bổ sung chế độ bảo hiểm cho tài xế công nghệ

Trong khi đó, đại diện cho nhà cung cấp dịch vụ chạy xe Grab, Đặng Thùy Trang, Giám đốc đối ngoại Grab tại Việt Nam chia sẻ, đơn vị này ra nhập thị trường từ năm 2014 với sự liên kết của các công ty taxi truyền thống. Đến nay, Grab đã hình thành hệ sinh thái ở 48 tỉnh/thành trên cả nước.

Trong bối cảnh Covid-19, Grab được lựa chọn là một trong các đối tượng ít ỏi được ra đường khi cả TP HCM giãn cách phòng dịch, bởi các tài xế Grab đều có nền tảng số theo dõi lịch trình, dễ dàng truy vết và theo dõi.

“Chúng tôi là kênh hữu hiệu duy trì việc thu nhập cho tài xế công nghệ trong khi công nhân các nhà máy xí nghiệp phải đóng cửa. Ngoài ra, hỗ trợ thương nhân, hộ kinh doanh đảm bảo vẫn có thể nhận đơn và phân phối đơn hàng. Gắn kết cộng đồng thông qua nền tảng số”, bà Trang nêu ra các các mặt tích cực của mô hình Grab.

Tuy nhiên, bà Trang cho biết, mô hình kinh tế chia sẻ như ứng dụng Grab khác nhiều với mô hình kinh doanh truyền thống, nên cần xây dựng thêm các chính sách an sinh đặc thù cho người lao động.

Ảnh tác giả

Grab trăn trở về cơ chế an sinh xã hội cho các tài xế. Hiện nay, quyền lợi bảo hiểm tự nguyện chưa phù hợp, còn hạn chế với lao động tham gia mô hình kinh tế chia sẻ, chưa có các chế độ phúc lợi khấu trừ như ốm đau, thai sản. Hiểu biết của tài xế với Bảo hiểm tự nguyện còn ít”.

Bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc đối ngoại Grab tại Việt Nam

Do vậy, đại diện Grab kiến nghị bổ sung chế độ về tai nạn nghề nghiệp, thai sản, chăm sóc sức khỏe trong các Bảo hiểm tự nguyện dành cho tài xế công nghệ. Bà Trang cũng cho rằng cần tăng cường truyền thông để tài xế công nghệ hiểu rõ hơn về Bảo hiểm tự nguyện.

90% tài xế công nghệ không có hợp đồng lao động

Trước những kiến nghị của bà Trang, ông Bùi Quốc Anh, Viện Khoa học Lao động và Xã hội - ILSSA lại có quan điểm cho rằng, vấn đề an sinh cho người lao động trong kinh tế chia sẻ cần nhiều hơn trách nhiệm của người sử dụng lao động, cụ thể là các công ty công nghệ đứng sau các ứng dụng.

Theo ông Quốc Anh, các hãng xe công nghệ thường tìm cách ẩn quan hệ lao động đi trong các giao kèo, trong khi các vấn đề này được quy định rất rõ ở các hợp đồng lao động hay kể cả giao kèo lao động có trả công.

Theo khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội năm 2021, có tới 90% người lao động có giao kết hợp đồng công việc với công ty vận hành ứng dụng, mà không giao kết hợp đồng lao động theo quy định pháp luật lao động (trừ các lao động làm việc tại văn phòng đại diện công ty nền tảng).

Lái xe công nghệ thường xuyên chạy quá thời gian lao động quy định.

Lái xe công nghệ thường xuyên chạy quá thời gian lao động quy định.

Tuy Luật Lao động quy định làm 8h/ngày, 48h/tuần nhưng gần 6% số người lao động được khảo sát làm việc quá 12 giờ/ngày, khoảng 11% làm việc quá 72 giờ/tuần và trên 40% làm liên tục cả 7 ngày trong tuần.

Ông Quốc Anh nhìn nhận, Grab đang được trở thành nghề chính, người lao động mua xe để chạy và phần lớn chạy vượt giờ. Điều này rất khó cho cơ quan Nhà nước vì đây là thỏa thuận giữa các nhà cung cấp dịch vụ và người lao động.

Về việc đóng bảo hiểm cho người lao động, vị chuyên gia này cho biết, Luật Bảo hiểm đang được sửa đổi.

“Hành lang pháp lý sẽ thuận tiện gọn nhẹ đi rất nhiều, đến lao động tự do cũng tham gia được thì những nhà cung cấp dịch vụ không có lý gì không làm được. Đặc biệt, bảo hiểm y tế quy định, người lao động có hợp đồng 1 tháng cũng đủ điều kiện tham gia, rất thuận lợi và dễ dàng”, ông Bùi Quốc Anh thông tin.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa.

Xuất khẩu lao động về đích sớm năm 2023

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 9 tháng năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động, hoàn thành sớm trước 3 tháng kế hoạch đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023.