Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao sau phiên 'bốc hơi' 55 điểm

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
09:06 - 20/08/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số đã giảm mạnh trong thời gian ngắn nên tạm thời có thể sẽ được hỗ trợ tại vùng 1.160 – 1.170 điểm và hồi phục kỹ thuật để thăm dò lại cung cầu.

Thị trường ghi nhận diễn biến giao dịch lình xình trong 4 phiên giao dịch đầu tuần và xu hướng chủ đạo là dao động trong vùng 1.220 – 1.240 điểm. Tuy nhiên biên độ dao động trong phiên có xu hướng được mở rộng hơn so với giai đoạn trước.

Tâm điểm của tuần giao dịch nằm ở phiên thứ Sáu (18/8) khi áp lực bán chủ động gia tăng mạnh, khởi đầu từ nhóm cổ phiếu bất động sản có vốn hóa lớn và sau đó lan rộng ra trên bình diện toàn thị trường, kết thúc phiên với 158 mã giảm sàn trên HSX, 265 mã giảm sàn trên toàn thị trường.

Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.177,99 điểm, giảm 54,22 điểm so với tuần trước (tương đương -4,4%), “thổi bay” thành quả tăng điểm của 3 tuần trước.

Kỷ lục của phiên 18/8 là 1,6 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HoSE, cao nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính chung trong tuần, thanh khoản trên HoSE đạt 125.063 tỷ đồng, tăng 11% về giá trị và 3,2% về khối lượng giao dịch so với tuần trước. Thanh khoản trung bình gần 36.000 đồng/phiên. Thanh khoản HNX cũng tăng 22,2% với 13.427,16 tỷ đồng được giao dịch.

Khối ngoại mua ròng với giá trị khá lớn trong phiên thứ Sáu (trên 430 tỷ đồng), nhưng tính chung cả tuần thì khối ngoại vẫn bán ròng với giá trị đạt gần 980 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn tập trung bán ròng mạnh nhất ở MSN (-360,4 tỷ đồng), VPB (-319,4 tỷ đồng), VIC (-220,9 tỷ đồng)… Ngược lại, mua ròng mạnh nhất ở CTG với giá trị 299,6 tỷ đồng, kế đến là VNM (245 tỷ đồng), VRE (228,9 tỷ đồng)…

Nguồn: TPS

Nguồn: TPS

Quan sát khu vực hỗ trợ 1.160 - 1.170 điểm

Theo Chứng khoán Tiên Phong (TPS), chuỗi tăng 6 tuần liên tiếp của VN-Index đã chấm dứt khi chỉ số giảm điểm mạnh với mẫu hình nến black marubozu có biên độ hơn 50 điểm. Với phiên điều chỉnh sâu ngày 18/8, chỉ số đã phá bỏ nỗ lực của 4 tuần trước đó khi công phá không thành công đường SMA 100 tuần.

Ở khung đồ thị ngày, phiên giảm điểm mạnh cuối tuần cùng mẫu hình nến black marubozu đã khiến chỉ số lần lượt các mốc hỗ trợ quan trọng là đường SMA 20 ngày và mức 1.200 điểm. Tuy nhiên, điểm sáng là thanh khoản gia tăng mạnh phần nào cho thấy lực chốt lời vẫn được hấp thụ tốt.

Hiện tại, TPS cho rằng đường SMA 50 ngày (quanh mức 1.170 điểm) đang đóng vai trò là hỗ trợ gần nhất kỳ vọng sẽ giúp thị trường chững lại đà tăng, từ đó làm bàn đạp giúp chỉ số đi lên sau khi trải qua nhịp chỉnh đủ hấp dẫn để thu hút dòng tiền mới tham gia.

Theo Chứng khoán SSI, trên biểu đồ, chỉ số đã không giữ được các vùng hỗ trợ quan trọng và hướng về vùng 1.160 - 1.170 điểm. Chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX đều quay lại tín hiệu trung tính. Hiện tại khu vực 1.160 - 1.170 trùng khớp với mốc Fibo 50%, là điểm hỗ trợ cho thị trường ở phiên tiếp theo.

Nếu áp lực bán không giảm và đóng cửa dưới vùng này, SSI cho rằng xu hướng thị trường sẽ tiếp tục suy yếu. Ngược lại, với sự tham gia của dòng tiền tích cực và giữ trên vùng hỗ trợ này, chỉ số có thể dần hồi phục.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường đã ghi nhận ngày phân phối thứ 5, tín hiệu này có thể sẽ gây ảnh hưởng lớn đến xu thế tăng trước đó. Tuy nhiên, chỉ số đã giảm mạnh trong thời gian ngắn nên tạm thời có thể sẽ được hỗ trợ tại vùng 1.160 – 1.170 điểm và hồi phục kỹ thuật để thăm dò lại cung cầu.

VDSC khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng và quản trị danh mục hợp lý. Đồng thời cân nhắc những nhịp hồi phục trong thời gian tới để chốt lời và giảm tỷ trọng, ưu tiên các cổ phiếu đã có tín hiệu phân phối và suy yếu để giảm thiểu rủi ro cho danh mục.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VDSC

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VDSC

Lý giải về phiên “bán tháo” tuần qua, VNDirect đưa ra 3 nguyên nhân. Đầu tiên là động thái chủ động hạ margin của nhà đầu tư sau khi một công ty chứng khoán top đầu thị phần môi giới thông báo giảm tỷ lệ ký quỹ với nhiều cổ phiếu từ ngày 22/8. Tiếp theo là diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu trụ cột như nhóm Vingroup. Cuối cùng là đợt tăng mạnh vừa qua của tỷ giá trong nước và thông tin tiêu cực về một tập đoàn bất động sản lớn tại Trung Quốc khiến tâm lý nhà đầu tư lo sợ.

Nhận định về thị trường tuần tới (21 - 25/8), VNDirect cho rằng việc hạ tỷ trọng margin của một công ty chứng khoán top đầu thị phần thông thường chỉ có tác động ngắn hạn trong vòng 1-2 phiên giao dịch và giảm bớt đáng kể sau đó. Vấn đề về tỷ giá cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi đã quay đầu giảm mạnh trong phiên thứ Năm và thứ Sáu. Trong khi đó nhóm cổ phiếu họ Vingroup có thể sớm lấy lại sự cân bằng.

"Chúng tôi kỳ vọng thị trường có thể xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật trong tuần tới và nhà đầu tư nên ngừng hành động bán tháo", VNDirect khuyến nghị.

Về trung hạn, VNDirect vẫn duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam với các yếu tố hỗ trợ mạnh sau: Môi trường lãi suất; Chính phủ bơm tiền thông qua các động thái đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng (giảm thuế, phí, tăng lương cơ sở,…); xu hướng phục hồi của nền kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong những tháng cuối năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.