Tổng cục Hải quan chấn chỉnh quy định kiểm tra hàng hóa quá cảnh

Hải quan logistics
10:48 - 13/12/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Tổng cục Hải quan vừa có công văn số 5369/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan các tỉnh/thành phố về việc “chấn chỉnh việc kiểm tra thực tế đối với hàng hoá quá cảnh”.

Tổng cục Hải quan cho biết thời gian qua đã nhận được phản ánh vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá quá cảnh về việc một số Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra thực tế hàng hoá quá cảnh quá mức cần thiết. Việc này làm kéo dài thời gian thông quan hàng hoá, tăng chi phí lưu kho bãi, gây bức xúc cho doanh nghiệp, đặc biệt là hàng hoá quá cảnh đi Campuchia.

Để kịp thời khắc phục tình trạng trên, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hỏa tốc gửi Cục Hải quan các tỉnh/thành phố về việc chấn chỉnh việc kiểm tra thực tế đối với hàng hóa quá cảnh.

Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh/thành phố thực hiện nghiêm quy định về hàng hóa quá cảnh theo Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và các nước như Campuchia (2013), Lào (2009), Trung Quốc (1994) và Điều 43 Nghị định số 08, Thông tư số 38 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39 của Bộ Tài chính.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu, hàng hóa quá cảnh phải được giám sát bằng seal định vị trong quá trình vận chuyển chịu sự giám sát hải quan từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, đi đúng tuyến đường, thời gian quy định.

Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập và cửa khẩu xuất phải phối hợp giám sát chặt chẽ hàng hóa trong quá trình vận chuyển, lưu giữ trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, các Cục Hải quan cũng được chấn chỉnh, không kiểm tra tràn lan, chỉ kiểm tra thực tế trên cơ sở đánh giá rủi ro, xác định hàng quá cảnh có dấu hiệu vi phạm cụ thể.

“Khi làm thủ tục xuất quá cảnh tại cửa khẩu xuất, Chi cục Hải quan kiểm tra, đối chiếu thông tin, nếu phát hiện phương tiện chứa hàng, niêm phong hải quan có dấu hiệu không đảm bảo nguyên trạng, phương tiện vận chuyển đi không đúng lộ trình, thời gian, tắt tín hiệu định vị thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa”, văn bản nêu rõ.

Cũng theo công văn, trong quá trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, nếu phát hiện hàng hóa quá cảnh có vi phạm pháp luật thì việc xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 128 và và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác có liên quan.

Trường hợp phát hiện hành vi giả mạo xuất xứ Việt Nam thì xử lý vi phạm, tịch thu hàng hóa quá cảnh theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 128, hoặc có thông tin người nhận hàng có địa chỉ tại Việt Nam thì phải điều tra, xác minh và xử lý theo kết quả điều tra, xác minh, không để bỏ lọt hành vi vi phạm.

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo trên, trường hợp phát hiện công chức, lãnh đạo đơn vị thực hiện không đúng thì xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định.

Trước đó, các doanh nghiệp vận tải hàng hoá container đường thủy qua biên giới giữa Việt Nam và Campuchia từ các cảng khu vực TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi Phnôm Pênh và ngược lại đã phản ánh gặp khó khăn do thủ tục kiểm tra hải quan.

Tuyến hàng hóa này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do một số cán bộ tại Chi cục Hải Quan Khu vực I, Cục Hải Quan TP HCM đã thực hiện kiểm tra thực tế thủ công kéo dài số lượng lớn container hàng hóa quá cảnh đi Campuchia bằng đường thủy nội địa.

Thời gian bị tạm ngừng thông quan kéo dài trung bình từ 15 đến 45 ngày. Kéo theo thời gian hoàn thành giấy tờ hành chính để thông quan cho lô hàng, phát sinh chi phí kiểm hóa, lưu container, lưu bãi, chưa kể kiểm hóa thành nhiều lần, khách hàng, đối tác rất bất bình.

Tại Hội nghị tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Kết quả, bài học và kiến nghị, ngày 9/12 vừa qua, ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam đã bày tỏ quan ngại về những hiệp định Việt Nam ký với nước ngoài nhưng lại có những điểm mâu thuẫn với quy định của Hải quan Việt Nam gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, Thông tư số 39 của Tổng cục Hải quan quy định kiểm tra chi tiết hàng hóa quá cảnh nhưng quy định của các nước khác trong khi quy định các nước khác trong khu vực lại thông thoáng hơn.

“Thực tế những hàng hóa quá cảnh sẽ không vào Việt Nam. Theo quy định quốc tế chỉ khi có nghi ngờ hàng cấm, hàng ma túy, chất phóng xạ thì mới tiến hành kiểm tra. Như vậy, các nước khác nhìn vào sẽ thấy Việt Nam không tôn trọng công ước quốc tế”, ông Ngô Khắc Lễ phản ánh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

10 sự kiện ngành logistics Việt Nam năm 2023

Bộ Công Thương nhận định, ngành logistics Việt Nam đang từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước dẫn đầu ASEAN trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics năm 2023.