TP HCM đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 40% GRDP vào năm 2030

KInh tế số Tp hcm
17:20 - 07/09/2023
Thúc đẩy kinh tế số TP HCM phát triển bền vững. Ảnh: Hà Anh.
Thúc đẩy kinh tế số TP HCM phát triển bền vững. Ảnh: Hà Anh.
0:00 / 0:00
0:00

TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% GRDP và năm 2030 là 40%, cao hơn mục tiêu quốc gia từ 5-10%.

Thông tin trên được ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đưa ra tại Hội thảo về thúc đẩy kinh tế số TP HCM phát triển bền vững diễn ra ngày 7/9.

Thời gian qua, TP HCM chủ động thực hiện nhiều đầu việc để thúc đẩy kinh tế số như lồng ghép các chỉ tiêu phát triển kinh tế số trong nghị quyết của Đảng bộ, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của TP HCM cũng tập trung vào phát triển hạ tầng số, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở các lĩnh vực như thủ tục hành chính, giáo dục, y tế, giao thông vận tải...

Nhờ các giải pháp nêu trên, năm 2021, kinh tế số TP HCM đạt tỷ trọng 15,48% (chưa bao gồm thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ) và năm 2022 đạt 18,66% GRDP.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lâm Đình Thắng chỉ ra 3 thách thức lớn trong phát triển kinh tế số mà TP HCM đang đối mặt. Đó là nhận thức ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa đầy đủ; phương pháp, công cụ đo lường cũng chưa thống nhất; các chính sách và nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhiều.

"TP HCM đang nỗ lực thực hiện thúc đẩy phát triển với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số đóng góp khoảng 25% và đến năm 2030 là 40% trong GRDP của thành phố. Các chỉ tiêu của TP HCM cao hơn bình quân cả nước từ 5-10%.".

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM

Để nền kinh tế số tăng trưởng nhanh và bền vững, PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, TP HCM cần lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn, Việt Nam và TP HCM nói riêng cần đẩy mạnh phát triển kinh tế số ở 5 lĩnh vực trọng điểm, đó là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, logistics, nông nghiệp và du lịch.

Cùng với đó là xây dựng chính sách về phát triển kinh tế số theo từng giai đoạn phát triển. Chẳng hạn như giai đoạn thúc đẩy phát triển cần khuyến khích phát triển; giai đoạn tiêu chuẩn hoá, giai đoạn nâng cao hiệu quả cần quản lý giảm sát, quản lý số...

Đồng thời, TP HCM cần xây dựng hệ thống chiến lược kinh tế số với liên kết ngang, thâm nhập, đi sâu vào từng ngành, lĩnh vực dựa trên các yếu tố nền móng để phát triển kinh tế số theo từng ngành, lĩnh vực.

Hơn nữa, nếu TP HCM đứng một mình thì sẽ không thể đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm 40% GDP mà phải liên kết vùng, hình thành không gian lực kéo. Mô hình lực kéo không gian đô thị của TP HCM đã hình thành bố cục lực kéo theo tầng tập trung vào các địa phương lân cận, lan toả rộng rãi và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số của vùng. Cuối cùng là phát triển TP HCM trở thành trung tâm bưu chính, logistics của khu vực và cả nước.

Chia sẻ thêm về việc hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế số, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM kiến nghị, TP HCM nên tận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội để đưa ra những cơ chế, chính sách thử nghiệm cho kinh tế số.

"Phát triển kinh tế số cần bảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, lựa chọn ưu tiên, sự tiên phong của chính quyền cũng như sự tham gia của các bên. Cần tập trung nhóm chính sách về phát triển hạ tầng số; phát triển, ứng dụng các nền tảng số; phát triển và khai thác dữ liệu; phát triển hạ tầng thiết yếu", Phó Viện trưởng Phạm Bình An nói thêm.

Song song với đó, doanh nghiệp số muốn phát triển cần tập trung vào tập huấn, tư vấn để có sản phẩm cụ thể thay vì làm đại trà.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Trong quý 1/2024, Grab ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh và khoản lỗ được thu hẹp. Hầu hết các mảng kinh doanh của công ty đều có cải thiện, nhờ lượng khách du lịch tăng cao trong các đợt lễ hội và các buổi hòa nhạc lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Google trình làng loạt sản phẩm AI tại sự kiện Google I/O 2024.

Google trình làng loạt sản phẩm AI

Tại hội nghị thường niên Google I/O 2024 dành cho nhà phát triển diễn ra tối 14/5 (theo giờ Mỹ), Google giới thiệu loạt sản phẩm trí tuệ nhân tạo, từ các mô hình nhỏ chạy cục bộ cho đến mô hình ngôn ngữ lớn với hàng chục tỷ tham số.