TP HCM, Hà Nội đề xuất cơ chế gỡ vướng cho dự án bất động sản chậm tiến độ

sự kiện BẤT ĐỘNG SẢN
21:06 - 17/02/2023
TP HCM, Hà Nội đề xuất cơ chế gỡ vướng cho dự án bất động sản chậm tiến độ.
TP HCM, Hà Nội đề xuất cơ chế gỡ vướng cho dự án bất động sản chậm tiến độ.
0:00 / 0:00
0:00
Theo lãnh đạo 2 địa phương này, thời gian qua, thị trường bất động sản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án chậm tiến độ gây thiếu hụt nguồn cung do vướng mắc về các chính sách pháp lý.

TP HCM có nhiều dự án chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” ngày 17/2, Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính tình hình phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố hiện chưa đáp ứng được nhu cầu lớn về nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân; thành phố cũng chưa đa dạng được sản phẩm nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cũng như nhà ở cho thuê.

Phó Chủ tịch TP HCM Bùi Xuân Cường phát biểu từ đầu cầu TP HCM. Nguồn: VGP.

Phó Chủ tịch TP HCM Bùi Xuân Cường phát biểu từ đầu cầu TP HCM. Nguồn: VGP.

Theo ông Cường, thành phố đặt mục tiêu trong chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 để bảo đảm được đến năm 2025 đạt 23,5 m2 nhà ở/ người (hiện nay là 21,4 m2 nhà ở/người). Trong giai đoạn 5 năm 2021-2025, phấn đấu đạt 50 triệu m2 nhà ở. Qua quá trình thực hiện của giai đoạn năm 2021-2022 đã đạt khoảng 28%, tức là 3 năm tới (2023-2025), thành phố phải rất nỗ lực để bảo đảm trung bình mỗi năm đạt 13 triệu m2 nhà ở, bảo đảm kế hoạch đã đề ra.

"Các sản phẩm, các thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố. Chúng tôi sẽ điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung cầu, hiện đang có xu hướng lệch về phân khúc trung cấp", ông Cường nói.

Còn về nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ của các dự án bất động sản tại TP HCM, Phó chủ tịch UBND thành phố chỉ ra nhiều vướng mắc trong các quy định của luật; hồ sơ pháp lý một số dự án trong thời điểm trước đây có nhiều nội dung cần phải rà soát lại để bảo đảm đúng quy định gây mất nhiều thời gian, một số trường hợp vượt thẩm quyền địa phương; một số cán bộ chính quyền, ban ngành sợ trách nhiệm trong xử lý các vấn đề tồn đọng…

Trong năm 2023, ông Bùi Xuân Cường cho biết TP HCM sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản chậm tiến độ về pháp lý, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án mà chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn với lợi ích của người dân.

Hiện thành phố đã phân loại khoảng 116 dự án, trong đó có 38 dự án ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm do vướng mắc từ thủ tục đầu tư, cách tính giá đất theo thị trường nên rất cần sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ và sự phối hợp tháo gỡ ngay của các bộ ngành.

Hà Nội phát triển các dự án mới khó khăn vì vướng cơ chế đầu tư

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thời gian vừa qua, đặc biệt trong năm 2022, thị trường bất động sản TP Hà Nội chưa khởi sắc. Cụ thể, nguồn cung sản phẩm ở mức thấp, chủ yếu là từ các dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư trước đây, còn các dự án đầu tư mới được chấp thuận là không nhiều, chỉ một vài dự án đấu giá đất với quy mô nhỏ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu từ đầu cầu Hà Nội. Nguồn: VGP.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu từ đầu cầu Hà Nội. Nguồn: VGP.

Chính sách tín dụng siết chặt, giá nguyên vật liệu tăng cao và như vậy đẩy giá sản phẩm bất động sản tăng theo, cộng thêm một số vướng mắc về thủ tục đầu tư khiến các chủ đầu tư dự án, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tham gia thị trường. Theo đánh giá của thành phố, giá tăng trên 10%.

Từ đầu năm đến hết quý 3/2022, giao dịch bất động sản trên thị trường bất động sản Hà Nội trầm lắng hơn cuối năm 2021, lượng sản phẩm được chào bán trên thị trường tập trung chủ yếu vào các dự án đầu tư ở các quận, huyện vùng ven do ưu thế về quỹ đất; phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp chiếm số đa số nhưng giá rất cao, lượng, giao dịch thấp, ước chỉ đạt khoảng 10% lượng sản phẩm chào bán ra thị trường, còn căn hộ thu nhập thấp, nhà ở xã hội thấp. Cụ thể, đối với năm 2022 giảm 25% số lượng căn hộ đưa ra thị trường và tổng diện tích sàn giảm 55% so với năm 2021.

Theo ông Dương Đức Tuấn, Hà Nội quyết tâm trong năm 2023 phải rà soát, đánh giá 750 dự án chậm tiến độ để thu hồi; dự kiến dừng 4 dự án và thu hồi trên 2.600 ha đất, chấm dứt hoạt động đối với khoảng 60 dự án chưa xác định đất.

TP Hà Nội cũng có đặc điểm là khi mà mở rộng địa giới hành chính, tiếp nhận các dự án của các tỉnh thành, bổ sung các nguồn lực này vào cho đấu thầu, đấu giá, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, thành phố cũng xác định 300 ha phân bố Đông – Tây – Nam – Bắc đối với Thành phố và đặc biệt là trên cơ sở pháp lý này đẩy mạnh về đấu thầu, đấu giá.

"Xác định các nguyên nhân như Thủ tướng chỉ đạo, tôi rất tán thành ý kiến của một số chuyên gia hàng đầu đã phân tích, đặc biệt ý kiến của chuyên gia Hoàng Văn Cường. Trong góc độ TP Hà Nội, chúng tôi thấy một yếu tố pháp lý cũng rất khó khăn, cụ thể, đến giờ phút này, khả năng phát triển các dự án mới khó khăn vì vướng cơ chế đầu tư, đặc biệt mô hình đầu tư, chỉ có hình thức là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển các dự án nhà ở thương mại là khu đô thị mới", ông Tuấn bày tỏ.

Ông Dương Đức Tuấn cho biết, xảy ra tình trạng đấu thầu, đấu giá trên chính mảnh đất có chủ quản lý sử dụng đất và thời gian thuế đất vẫn còn, đây là điểm nghẽn.

Vì vậy, lãnh đạo Hà Nội kiến nghị xây dựng một nghị định của Chính phủ để xâu chuỗi lại Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở "để sao cho phân định rõ đấu thầu theo cơ chế, đấu giá theo cơ chế và chỉ định thì theo cơ chế để thúc đẩy ngay, chứ hiện nay rất nhiều dự án dở dang như nhiều đại biểu đã nói".

Về vấn đề triển khai nhà ở xã hội, theo ông Tuấn, mặc dù Thủ tướng chỉ đạo rất mạnh mẽ, có đề án 1 triệu căn hộ, tuy nhiên, khả năng phân bố khu vực nhà ở xã hội chủ yếu là 20% trong các khu nhà ở, khu đô thị mới đã hình thành, còn các khu mới phải đấu thầu, đấu giá thì cần thời gian.

Hiện nay đang thiếu các cơ chế chính sách cho phân khúc nhà ở cấp trung. Hà Nội dự kiến sẽ tiến hành đấu thầu 5 khu nhà ở tập trung song cơ chế chính sách về việc này chưa có. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn có một nghị định linh hoạt của Chính phủ để xử lý vấn đề này.

Tin liên quan

Đọc tiếp