Trải qua 1 năm nhiều cung bậc, PNJ về đích 2021 không được như mong muốn

DOANH NGHIỆP Việt nAM
14:52 - 19/01/2022
PNJ ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.030 tỷ đồng năm 2021, hoàn thành 84% kế hoạch năm.
PNJ ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.030 tỷ đồng năm 2021, hoàn thành 84% kế hoạch năm.
0:00 / 0:00
0:00
Cổ phiếu PNJ đã trải qua một năm nhiều cung bậc, mức đỉnh cao nhất trong năm 2021 là 111.000 đồng/CP (phiên 15/11) và phiên rớt giá mạnh nhất là ngày 1/9 với giá 85.000 đồng. Hiện, PNJ có giá 92.800 đồng.

Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ, sàn HoSE) vừa thông báo kết quả kinh doanh tháng 12/2021. Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 2.834 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ); lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng (tăng 43,4% so với cùng kỳ).

Tổng kết năm 2021, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 19.593 tỷ đồng (tăng 11,9% so với 2020), hoàn thành 93,3% kế hoạch năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 1.030 tỷ đồng (giảm 3,7% so với cùng kỳ), hoàn thành 84% kế hoạch năm 2021.

Biên lợi nhuận gộp trong tháng 12/2021 đạt 16,6% so với mức 18,1% cùng kỳ 2020. Lũy kế 12 tháng, tỷ lệ lợi nhuận gộp/doanh thu thuần đạt 18,2% so với mức 19,6% cùng kỳ 2020.

Kết quả kinh doanh lũy kế 12 tháng năm 2021 của PNJ. Nguồn: PNJ

Kết quả kinh doanh lũy kế 12 tháng năm 2021 của PNJ. Nguồn: PNJ

Trong năm 2021, mảng bán lẻ vẫn là nguồn thu chính của PNJ với việc đóng góp 58,7% tỷ trọng, tương đương hơn 11.500 tỷ đồng (tăng trưởng 10,5% so với năm trước). Ngược lại, doanh thu bán sỉ cả năm giảm 5,5% so với cùng kỳ, tương đương 2.645 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,5% trong cơ cấu doanh thu.

Về doanh thu vàng miếng vẫn tăng trưởng 25%, mang về hơn 5.015 tỷ, chiếm 25,6% tổng doanh thu hợp nhất; chủ yếu là nhờ sự tăng trưởng tích cực giai đoạn đầu năm.

Về lý do khiến công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận được giao năm 2021, Ban lãnh đạo PNJ cho biết chủ yếu do tác động của dịch Covid-19. Đặc biệt là 3 tháng quý III/2021, công ty phải đóng phần lớn cửa hàng để đảm bảo quy định phòng, chống Covid-19 của TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh, nhu cầu trang sức tại Việt Nam giảm mạnh cũng ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh chung của công ty.

Lợi nhuận của PNJ đi xuống trong 2 năm Covid-19.

Trên thị trường, cổ phiếu PNJ vừa trải qua một năm nhiều cung bậc. Mã có nhiều phiên lập đỉnh nhưng cũng không ít phiên khiến nhà đầu tư thót tim khi lao xuống vực sâu. Cụ thể, mức đỉnh cao nhất mà PNJ chinh phục được là 111.000 đồng (phiên 15/11). Trong khi đó, phiên rớt giá mạnh nhất là 1/9 – 85.000 đồng. Hiện, PNJ có giá 92.800 đồng.

Nhìn chung so với hồi đầu năm 2021, PNJ vẫn có sự tăng trưởng đáng kể, tìm lại được giai đoạn “hoàng kim” 2018-2019.

Trong bối cảnh tăng trưởng đó, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ đã đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu vì mục đích cá nhân. Nếu giao dịch này thành công, bà Dung sẽ giảm sở hữu tại PNJ còn 6,3 triệu cổ phiếu, tương đương 2,8% và không còn là cổ đông lớn. Với mức giá hiện tại, bà Dung có thể thu về gần 500 tỷ đồng.

Giao dịch dự kiến thực hiện từ giữa tháng 12/2021 đến giữa tháng 1/2022 nên người đứng đầu PNJ vẫn nằm trong danh sách nhận cổ tức 6% bằng tiền mặt, tương đương khoảng 3 tỷ đồng.

Cũng trong thời điểm trên, ông Cao Ngọc Duy, em trai bà Dung, đăng ký mua 4,5 triệu cổ phiếu. Giao dịch thành công sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của ông Duy lên 6,7 triệu cổ phiếu, tương đương 2,9% cổ phần PNJ.

Hiện các giao dịch của bà Dung và ông Duy vẫn chưa có thông báo kết quả.

Tin liên quan

Đọc tiếp