Trung Quốc nới tín dụng để trấn an vụ 'bom nợ' Evergrande

bđs TRUNG QUỐC
16:14 - 07/12/2021
Trung Quốc nới lỏng tín dụng trước nguy cơ 'bom nợ' Evergrande phát nổ. Ảnh: Reuters
Trung Quốc nới lỏng tín dụng trước nguy cơ 'bom nợ' Evergrande phát nổ. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vừa mở rộng nguồn cung thêm 190 tỷ USD để cho vay bằng cách giảm lượng tiền mà các ngân hàng dự trữ, nhằm trấn an nhà đầu tư trước nguy cơ quả bom nợ Evergrande có thể nổ bất cứ lúc nào.

Thông báo nới tín dụng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm 6/12 là một trong những nỗ lực của giới chức nước này nhằm trấn an công chúng và các nhà đầu tư rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể được bảo vệ trước nguy cơ bom nợ trị giá hơn 300 tỷ USD của China Evergrande "phát nổ".

Đồng thời, PBOC cho biết muốn “hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế thực” và việc cắt giảm dự trữ không làm thay đổi “chính sách tiền tệ thận trọng”. Bắc Kinh đã dự kiến mở rộng việc cho vay sau khi gã khổng lồ địa ốc Evergrande mới đây cho biết rằng, họ sẽ “tích cực tham gia với các chủ nợ nước ngoài để xây dựng một kế hoạch tái cơ cấu”.

PBOC cho rằng các vấn đề của Evergrande là do nhà phát triển bất động sản này “quản lý kém” và “mở rộng thiếu thận trọng”. Ảnh: Reuters

PBOC cho rằng các vấn đề của Evergrande là do nhà phát triển bất động sản này “quản lý kém” và “mở rộng thiếu thận trọng”. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 3/12 cho biết, Trung Quốc sẽ cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng "một cách kịp thời". Tuy nhiên, theo Ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, chính phủ Trung Quốc có thể phải tăng cường đáng kể các biện pháp nới lỏng vào mùa xuân năm 2022 để ngăn chặn sự suy thoái mạnh trong lĩnh vực bất động sản đang đối mặt với áp lực trả nợ gia tăng.

Để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn, kể từ tháng 10, giới chức đã thúc giục các ngân hàng nới lỏng cho vay đối với nhu cầu tài chính thông thường của các nhà phát triển và cho phép nhiều công ty bất động sản bán trái phiếu trong nước.

Theo nhà kinh tế Iris Pang của ING, nếu Evergrande vỡ nợ, Trung Quốc có khả năng sẽ tung ra chiến lược hai chiều là bơm tiền vào thị trường tín dụng đồng thời cố gắng ngăn giá nhà sụt giảm khi các chủ đầu tư bán tháo căn hộ để huy động tiền mặt.

Cũng hôm 6/12, Evergrande thông báo đã thành lập một hội đồng “quản lý rủi ro”. Hội đồng này bao gồm các chuyên gia bên ngoài từ một công ty quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước và một số công ty khác. Đồng thời, Evergrande thừa nhận rằng gánh nợ 300 tỷ USD bao gồm cả khoản nợ nước ngoài và trong nước đã trở nên thiếu bền vững. Còn PBOC cho rằng các vấn đề của Evergrande là do nhà phát triển bất động sản này “quản lý kém” và “mở rộng thiếu thận trọng”.

Trước áp lực từ Bắc Kinh, nhà sáng lập, tỷ phú Hứa Gia Ân đã bán 344 triệu USD cổ phiếu Evergrande vào tháng 11. Ông cũng vay 105 triệu USD, cầm cố hai căn nhà ở quận Tony Black's Link của Hồng Kông làm tài sản thế chấp.

Phía tập đoàn này cho biết, họ đã nhận được yêu cầu trả khoản nợ 260 triệu USD. Các nghĩa vụ khác bao gồm khoản thanh toán 255 triệu USD lãi trái phiếu đến hạn vào ngày 28/12. Đó là những khoản tương đối nhỏ trong tổng khoản vay khổng lồ, nhưng cũng là lời cảnh báo rằng, chỉ cần bỏ lỡ một khoản thanh toán có thể kích hoạt ngòi nổ từ các khoản nợ khác ngay lập tức.

China Evergrande chỉ là một trong rất nhiều nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc đang đứng bên bờ vực vỡ nợ khi không thể thu xếp tài chính để thanh toán cho các khoản trái phiếu phát hành ở nước ngoài đến hạn. Ngành bất động sản chiếm giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Nếu phía chính phủ không “tháo kíp” các bom nợ, thì chính các quả bom này sẽ có thể là mối nguy của nền kinh tế, gây ra làn sóng chấn động cả ở các thị trường nước ngoài.

Tin liên quan

Đọc tiếp