TS. Cấn Văn Lực: Nhiều thách thức cho doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là dòng vốn

bđs Việt nAM
21:00 - 12/01/2022
TS. Cấn Văn Lực: Nhiều thách thức cho doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là dòng vốn
0:00 / 0:00
0:00
Theo TS. Cấn Văn Lực, chương trình phục hồi của Chính phủ sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực và thị trường bất động sản sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2022, nhưng điều đang làm đau đầu các doanh nghiệp nhất đến từ những khó khăn về dòng vốn 

Nhận định tại Diễn đàn “Bất động sản Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư” chiều 12/1, TS. Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Chương trình phục hồi) mà Quốc hội vừa thông qua hôm 11/1 sẽ có những hiệu ứng tích cực đến nền kinh tế nói chung và đến thị trường bất động sản nói riêng trong năm 2022.

Động lực lớn cho thị trường năm 2022 từ gói phục hồi và 1 luật sửa 8 luật

Tại Nghị quyết về Chương trình phục hồi với tổng quy mô thực chi gần 350 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội vừa thông qua, khoảng 103,16 nghìn tỷ sẽ được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Ngoài ra, nhiều cấu phần khác trong Chương trình phục hồi cũng hướng đến đầu tư cơ sở hạ tầng như gói 5,686 nghìn tỷ đồng cho hỗ trợ phát triển du lịch và đầu tư hạ tầng chuyển đổi số hay gói 5 nghìn tỷ đồng chi cho hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu…

Khoảng 113,85 nghìn tỷ từ Chương trình phục hồi sẽ được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Khoảng 113,85 nghìn tỷ từ Chương trình phục hồi sẽ được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Ngoài nguồn lực chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng, Chương trình phục hồi của Chính phủ còn bao gồm nhiều nội dung như gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng, mức hỗ trợ 2% trong 2 năm, gói giảm thuế, phí, lệ phí ước khoảng 64 nghìn tỷ, gói 6 nghìn tỷ hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022 để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Việc thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công - đặc biệt là cấu phần hơn 100 nghìn tỷ đồng qua Chương trình phục hồi - sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản.

Ảnh tác giả

“Phải tận dụng tối đa nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình phục hồi của Chính phủ. Tôi nghĩ rằng 1 đồng hay 100 đồng trong lúc này cũng đều rất đáng quý”.

TS. Cấn Văn Lực

“Nếu thực hiện tốt Chương trình phục hồi, khả năng năm nay có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7% và tăng trưởng năm tới cũng ở mức tương tự”, TS. Cấn Văn Lực cho hay. Nền tảng tăng trưởng vững vàng của nền kinh tế nói chung sẽ là tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản ở nhiều phân khúc.

Một số dự báo về tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022
Một số dự báo về tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022

Bên cạnh Chương trình phục hồi, thị trường bất động sản năm 2022 dự kiến cũng nhận được nhiều xung lực từ một số chương trình đầu tư công khác của Chính phủ như dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trị giá gần 147 nghìn tỷ đồng dài 729 km chạy qua nhiều địa phương, các dự án xây dựng sân bay, cầu, cảng, nông thôn mới…

Về vấn đề thể chế, nhiều nút thắt pháp lý đang được tháo gỡ, nhất là sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 1 luật sửa 8 luật mới đây với nhiều điểm mới trong Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật đấu thầu…Năm 2022, dự kiến Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Xây dựng sẽ là những đầu mối quan trọng trong dự án sửa đổi các Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai…, tạo điều kiện hơn nữa cho việc tháo gỡ vướng mắc, khơi thông thị trường bất động sản.

Còn nhiều thách thức, đặc biệt là dòng vốn

Theo đánh giá TS. Cấn Văn Lực, triển vọng cho thị trường bất động sản Việt Nam năm 2022 là tương đối sáng sủa trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nhiều triển vọng tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức với doanh nghiệp bất động sản nói riêng và thị trường bất động sản nói chung, đặc biệt là thách thức từ dòng vốn.

Liên quan đến dòng vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp - một kênh dẫn vốn quan trọng và ngày càng phát triển tại Việt Nam, Chính phủ gần đây đã có nhiều chỉ đạo kiểm soát, rà soát thị trường này. Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ xem xét sửa đổi Nghị định 153 năm 2020 liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo định hướng lành mạnh hóa thị trường.

Năm 2021, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu toàn thị trường, chiếm 39% trong tổng quy mô phát hành trái phiếu 628 nghìn tỷ của toàn nền kinh tế, theo số liệu của HNX và SSC.

Liên quan đến kênh tín dụng, Thông tư 16 của ngân hàng Nhà nước năm 2021 cũng có nội dung kiểm soát đầu tư của tổ chức tín dụng vào thị trường trái phiếu bất động sản theo hướng lành mạnh hơn.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng, nguồn vốn vào tín dụng bất động sản đã tăng 9% lên khoảng 2 triệu tỷ trong năm 2021 và chiếm khoảng 19% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, cho vay nhà ở chiếm 64% (1,3 triệu tỷ đồng), còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản (khoảng 700 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên nhìn chung, dòng vốn vào thị trường bất động sản vẫn đón những tín hiệu tích cực từ nguồn vốn tư nhân và vốn FDI khi nền kinh tế đứng trước viễn cảnh phục hồi mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, dự kiến kênh huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ và tín dụng ngân hàng sẽ điều chỉnh theo hướng lành mạnh, công khai minh bạch hơn chứ không “bóp nghẹt”, theo TS. Cấn Văn Lực.

Ảnh tác giả

“Chúng tôi đang tư vấn cho Bộ Tài chính trong điều chỉnh Nghị định 153 theo hướng dung hòa chứ không vì một vài hiện tượng mà bóp nghẹt toàn bộ thị trường trái phiếu, như thế sẽ rất gay cho kênh dẫn vốn chung”

TS. Cấn Văn Lực

Một số thách thức khác cho thị trường đến từ tác động của các cuộc đấu giá đất gần đây đến mặt bằng giá nói chung, tuy nhiên dự kiến Nhà nước sẽ có động thái chấn chỉnh nhất định. Ngoài ra, đề xuất đánh thuế bất động sản có thể sẽ tiếp tục được thảo luận trong thời gian tới.

Đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp bất động sản nói riêng và doanh nghiệp nói chung trong bối cảnh nhiều thách thức và bất định, nhà kinh tế trưởng BIDV đề xuất mô hình 5R: Respond (thích ứng linh hoạt), Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt), Restructure (tái cấu trúc), Re-invent (đổi mới, sáng tạo bao gồm cả chuyển đổi số), Resilience (tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống chịu các cú sốc).

Ngoài ra, đa dạng hóa nguồn vốn và hướng đến quản trị chuyên nghiệp hơn (quản trị lao động, tài chính, quản lý rủi ro) cũng là những xu hướng để hướng tới phát triển bền vững, theo TS. Cấn Văn Lực.

“Phải tận dụng tối đa nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình phục hồi của Chính phủ. Tôi nghĩ rằng 1 đồng hay 100 đồng trong lúc này cũng đều rất đáng quý”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng.

Tin liên quan

Đọc tiếp