Vẫn còn 76,3% hộ gia đình giảm thu nhập do Covid-19

thu nhập DÂN CƯ
16:58 - 29/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tuy tình hình đời sống của hộ dân cư theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê đã có những điểm tiếp tục khả quan, nhưng tỷ lệ hộ gia đình bị giảm thu nhập do Covid-19 vẫn còn cao.

Theo kết quả sơ bộ từ khảo sát mức sống dân cư trong 8 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê (GSO), trong các nguyên nhân làm giảm thu nhập của hộ gia đình có 76,3% đánh giá là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Có 18,8% hộ đánh giá do thành viên của hộ mất việc làm/tạm nghỉ việc và 16,0% hộ đánh giá do chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ tăng lên.

Về tác động của các sự kiện tiêu cực đến đời sống trong 8 tháng năm 2022 nói chung, có đến 62,8% hộ đang phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19; 2,2% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng và tương tự có 1,9% hộ chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh khác.

Tuy nhiên, tình hình đời sống của hộ dân cư cũng có những điểm tiếp tục khả quan. Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với tháng cùng kỳ năm 2021 là 82,2%. Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm so với tháng cùng kỳ năm 2021 là 17,8%.

Trong tháng 8/2022, cả nước có 11,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 130,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 75,2 nghìn lao động; giảm 9,5% về số doanh nghiệp, tăng 5,1% về vốn đăng ký và giảm 29,1% về số lao động so với tháng 7/2022.

So với cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp thành lập mới đã tăng 106,9% về số doanh nghiệp, tăng 91,6% về số vốn đăng ký và tăng 73,3% về số lao động.

Một trong những yếu tố tác đến mức sống dân cư là tình hình hoạt động của doanh nghiệp kéo theo số lao động tham gia thị trường.

Theo GSO, tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước có 101,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.136,3 nghìn tỷ đồng và 696,2 nghìn lao động mới đăng ký, tăng 24,2% về số doanh nghiệp, tăng 0,3% về vốn đăng ký và tăng 16,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng trong tháng 8/2022, lại có 3.756 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 28,9% so với tháng trước và tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2021; 4.453 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,8% và tăng 77,3%. Cùng với đó, là 1.953 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,5% và tăng 140,5%.

Tính chung 8 tháng năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 59,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 7,5%; 12,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 0,9%. Bình quân một tháng có 13 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, tính đến ngày 25/8/2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 1.689 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 2,6 triệu người lao động tại 61.068 doanh nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ 1.539 tỷ đồng cho 2,4 triệu người lao động đang làm việc trong 49.469 doanh nghiệp; hỗ trợ gần 150 tỷ đồng cho 131.074 người lao động quay trở lại thị trường lao động tại 11.586 doanh nghiệp.

Trong 8 tháng năm 2022, có 25,4% hộ gia đình nhận được sự trợ giúp từ các nguồn hỗ trợ khác nhau. Cụ thể, tỷ lệ hộ nhận được trợ giúp từ các chương trình, chính sách chung của quốc gia là 10,8%; từ họ hàng, người thân là 12,1%; từ các chương trình, chính sách của địa phương là 9,7%; từ các hoạt động từ thiện của các tổ chức và cá nhân khác là 5,6% và từ các nguồn khác là gần 0,2%.

Tin liên quan

Đọc tiếp