Thị trường lao động quý II khởi sắc với xu hướng thu nhập tăng bất thường

LAO ĐỘNG việc làm
17:14 - 06/07/2022
Lao động quý II từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2022 là 50,5 triệu người, tăng nhẹ 1,01%
Lao động quý II từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2022 là 50,5 triệu người, tăng nhẹ 1,01%
0:00 / 0:00
0:00
Nếu các năm trước thu nhập lao động quý II thường giảm so với quý I do không còn các khoản phụ trội, thưởng Tết Nguyên đán, nhưng trong quý II/2022 thu nhập lao động lại tăng theo xu hướng khác trước nhờ nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.

Các hoạt động kinh tế – xã hội cơ bản trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, đồng thời Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, do đó thị trường lao động trong quý II/2022 được tiếp tục duy trì đà phục hồi.

Tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 2,32%

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2022 là 51,6 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm 2021. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng (tương ứng tăng 0,3 triệu người và 0,1 triệu người), lực lượng lao động nữ tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nam (0,3 triệu lao động của nữ so với gần 0,2 triệu lao động của nam).

Tính đến ngày 22/6/2022, cả nước có 25.660 người lao động (tương đương số tiền 14,124 tỷ đồng) nhận được hỗ trợ tiền thuê nhà từ gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, chính sách này đã tạo thêm động lực giúp người lao động yên tâm quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch tăng mạnh cùng với sự kiện SEA Games 31 vừa được tổ chức tại Việt Nam làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ nhộn nhịp và sôi động.

Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2022 là gần 1,1 triệu người, giảm 41,6 nghìn người so với quý trước và giảm 112,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,39% (quý II là 2,32%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,93%; khu vực nông thôn là 2,05%.

Việc thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP với các giải pháp cụ thể, như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được triển khai đồng bộ trên cả nước đã góp phần thúc đẩy thị trường lao động quý II/2022 phục hồi mạnh mẽ.

Trong đó, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2022 là 50,5 triệu người, tăng nhẹ 1,01% (504,6 nghìn người) so với quý trước và tăng 1,41% (701,8 nghìn người) so với cùng kỳ năm 2021.

Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,7 triệu, khu vực nông thôn là 31,9 triệu người người, đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng tăng lao động có việc làm cũng được ghi nhận ở cả nam và nữ, tuy nhiên tốc độ tăng lao động có việc làm ở nữ giới cao hơn so với nam giới.

Trong quý II/2022, riêng lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,9 triệu người, tăng 12,6 nghìn người với quý trước và tăng 138,0 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021; khu vực công nghiệp và xây dựng có 16,8 triệu người đang làm việc, tăng 62,1 nghìn người so với quý trước, và tăng 210 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021; lao động có việc làm trong ngành dịch vụ là 19,8 triệu người, tăng 429,8 nghìn người so với quý trước và tăng 353,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021.

Ngược lại, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý II/2022 là khoảng 881,8 nghìn người, giảm 1,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,64 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,37% và 2,32%).

Thu nhập lao động tăng 8,9% nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II/2022 là 6,6 triệu đồng, tăng 206 nghìn đồng so với quý trước và tăng 542 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2021. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,34 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,5 triệu đồng so với 5,6 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,38 lần khu vực nông thôn (8,0 triệu đồng so với 5,8 triệu đồng).

Quan sát thu nhập bình quân của người lao động theo từng quý trong những năm gần đây, kể cả những năm chưa chịu tác động của đại dịch Covid-19, có thể thấy, biến động thu nhập của người lao động trong quý II so với quý I năm nay khác với xu hướng thường thấy của các năm trước.

Trong các năm từ 2019 đến 2021, thu nhập lao động quý II thường giảm so với quý I do các khoản thu nhập phụ trội bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý I. Ngược lại, trong năm nay, thu nhập bình quân của người lao động trong quý II không có sự sụt giảm so với quý trước như mọi năm mà tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng dương so với quý trước và cùng kỳ năm 2021. Đây là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ.

So với cùng kỳ năm 2021, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, thu nhập bình quân của người lao động quý II năm nay có tốc độ tăng trưởng khá, tăng 8,9%, tương ứng tăng khoảng 542 nghìn đồng; so với cùng kỳ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7%, tương ứng tăng gần 1,1 triệu đồng. Đời sống của người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Trong quý II/2022, thu nhập của lao động làm việc ở cả ba khu vực kinh tế: công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; nông lâm thủy sản đều có mức tăng trưởng khá, tương ứng 7,5 triệu đồng; 7,8 triệu đồng và 3,8 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong ba khu vực kinh tế đạt 11,5% triệu đồng, dịch vụ là 8,7% và nông lâm thủy sản là 3,6%.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý II là 7,5 triệu đồng, tăng khoảng khoảng 178 nghìn so với quý trước và tăng 707 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2021. Lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân của lao động nữ là 1,13 lần (7,9 triệu đồng so với 7,0 triệu đồng). Lao động làm việc trong khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân là 8,4 triệu đồng, cao hơn 1,24 lần mức thu nhập bình quân của lao động ở khu vực nông thôn (6,8 triệu đồng).

Một số ngành có mức độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước:

Khai khoáng đạt mức 9,7 triệu đồng, tăng 17,1%.

Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,4 triệu đồng, tăng 12,4%.

Sản xuất và phân phối điện đạt 9,6 triệu đồng, tăng 10,7%.

Dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 6,2 triệu đồng, tăng 10,2%.

Vận tải kho bãi đạt 8,9 triệu đồng tăng 4,2%.

Tin liên quan

Đọc tiếp